"Những người Mỹ gốc Á đang kêu gọi giúp đỡ. Hạ viện, Thượng viện và Tổng thống Joe Biden rõ ràng đã nghe thấy lời khẩn cầu của chúng tôi", hạ nghị sĩ Dân chủ Grace Meng, người dẫn đầu nỗ lực thông qua dự luật tại Hạ viện, cho biết.
Dự luật được Hạ viện Mỹ phê chuẩn hôm 18/5 với 364 phiếu thuận và 62 phiếu chống sẽ được trình lên Tổng thống Biden xem xét. Nếu được thông qua, luật sẽ thúc đẩy Bộ Tư pháp Mỹ điều tra tội thù ghét, tài trợ cho các cơ quan thực thi pháp luật địa phương cải thiện năng lực điều tra, xác định và báo cáo sự cố, công tác vốn còn thiếu sót.
Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật vào tháng 4 với số phiếu áp đảo 94-1. Biden từng tuyên bố rằng ông sẽ ký thông qua.
Những vụ bạo lực nhắm vào người gốc Á tại Mỹ đã gia tăng sau khi Covid-19 bùng phát. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng gọi virus xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, là "virus Trung Quốc". Khi số ca nhiễm nCoV bắt đầu tăng mạnh tại Mỹ, số vụ tấn công cũng tương tự, với hàng nghìn trường hợp được báo cáo trong năm qua.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Judy Chu cho biết rất nhiều người cảm thấy đau lòng khi "đọc báo mỗi ngày và nhìn thấy thêm một người Mỹ gốc Á bị hành hung, tấn công, thậm chí sát hại". Tại bang Georgia, 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng hồi tháng 3 trong vụ xả súng vào các spa. Trước đó vào tháng 2, một cụ ông 84 tuổi tử vong sau khi bị xô ngã ngay gần nhà tại San Francisco.
Tuy nhiên, một số nhà hoạt động cho rằng dự luật mà quốc hội Mỹ thông qua đang đi sai hướng. Hơn 100 nhóm đã ký vào tuyên bố phản đối dự luật vì phụ thuộc quá nhiều vào thực thi pháp luật, trong khi cung cấp quá ít ngân sách để giải quyết những vấn đề cơ bản thúc đẩy sự gia tăng tội thù ghét.
Đây là lần hiếm hoi lưỡng đảng Mỹ đạt được đồng thuận. Dự luật còn được cho là đánh dấu bước tiến trong quan điểm của đảng Cộng hòa về luật chống tội thù ghét. "Tôi rất vui vì quốc hội đang xích lại gần nhau theo hướng lưỡng đảng", hạ nghị sĩ Cộng hòa Young Kim, một người gốc Hàn Quốc, cho biết.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer trước đó tuyên bố việc thông qua dự luật giúp gửi đi một "thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết" tới những người phải chịu đựng tình trạng phân biệt đối xử trong đại dịch.
"Đáng buồn thay, sự phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á không phải hiện tượng mới trong lịch sử đất nước. Tuy nhiên, đại dịch đã gợi lại những thành kiến và định kiến cũ. Thượng viện có thể tự hào vì đã dẫn dắt trách nhiệm", ông nói.
Ánh Ngọc (Theo AP)