Ông Xướng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật môi trường ngày càng gia tăng là cơ quan chức năng chưa chịu lắng nghe dân và các nhà chuyên môn. Thực tế, tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải (Đồng Nai) và việc Vedan xả chất thải bẩn ra sông đã được người dân và cả nhà khoa học phản ánh cả chục năm trước, nhưng cơ quan có trách nhiệm đã không tiếp thu và xử lý kịp thời.
Trụ sở Công ty Vedan ở Đồng Nai. Ảnh: Thiên Chương. |
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, không chỉ mỗi sông Thị Vải mà rất nhiều nơi bị ô nhiễm. Có hai nguyên nhân, thứ nhất là tâm lý nóng lòng thu hút đầu tư; thứ hai là lợi ích của nhiệm kỳ. "Trường hợp Vedan lỗi không chỉ mỗi UBND tỉnh Đồng Nai, bởi để triển khai đầu tư thì phải qua cơ quan thẩm định đầu tư, cơ quan thẩm định về khoa học công nghệ. Tôi rất buồn là cho đến giờ không thấy cơ quan nào lên tiếng nhận trách nhiệm", ông Quốc nói.
Từ góc độ pháp luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích hiện nay có rất nhiều luật, từ Bộ luật hình sự, Luật bảo vệ môi trường và khoảng 300 văn bản dưới luật, nhưng việc xử lý Vedan thì lại lúng túng. Mỗi quy định ai có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Vedan thì không xác định được, dẫn đến UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Tài nguyên Môi trường đùn đẩy cho nhau.
Lý giải tình trạng trên, bà Nga dẫn ra một tổ hợp nguyên nhân, như địa phương đặt nặng vấn đề kinh tế, coi nhẹ môi trường; cán bộ có trách nhiệm cố ý làm ngơ; việc xử lý tố cáo, kiến nghị của dân kém, đặc biệt là quy định pháp luật về môi trường thiếu khả thi. "Từ khi Bộ luật hình sự ra đời tới nay không xử lý được cá nhân nào. Luật yêu cầu để xử lý hình sự phải hội đủ 3 yếu tố, gồm: người vi phạm là cá nhân, từng bị xử lý hành chính và gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng cả 3 yếu tố này đều khó thực hiện", bà Nga nói.
Từ thực tế trên, đại biểu Nga đề nghị Quốc hội cần kiến nghị Chính phủ tổng kiểm tra, đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường và đưa vào chương trình giám sát năm 2009 nội dung này. Về mặt pháp luật, bà Nga kiến nghị sửa pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính theo hướng dễ cá thể hóa pháp nhân vi phạm (hiện nay Vedan không tìm ra cá nhân); sửa điều 183 của Bộ luật hình sự theo hướng bỏ quy định cá nhân từng bị xử phạt hành chính.
Ngoài vấn đề môi trường, hôm nay, tại buổi thảo luận về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tội phạm trong thanh thiếu niên đang có chiều hướng gia tăng. Một số đại biểu đặc biệt bức xúc trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, trong đó thủ phạm là cả bố dượng, bố đẻ và thầy giáo.
Ngày mai, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường Luật thi hành án dân sự và Luật quốc tịch Việt Nam (sửa đổi).
Hồng Khánh