"Thủ đô mới có chức năng trung tâm và là biểu tượng cho bản sắc quốc gia, cũng như đóng vai trò trung tâm kinh tế trọng điểm mới", Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia Suharso Monoarfa phát biểu trước quốc hội hôm nay, sau khi dự luật dời đô được phê chuẩn thành luật.
Luật mới này giúp cung cấp khuôn khổ pháp lý cho kế hoạch khổng lồ trị giá 32 tỷ USD đầy tham vọng của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, vạch ra cách thức tài trợ và quản lý quá trình phát triển thủ đô mới được xây dựng tại khu vực Kalimantan trên đảo Borneo.
Widodo chọn tên thủ đô mới là Nusantara, tiếng Java có nghĩa là quần đảo Indonesia, nhằm nhấn mạnh phương châm "đoàn kết trong sự đa dạng" của đất nước. "Nusantara là một khái niệm thống nhất, bao hàm tất cả sự đa dạng của chúng ta, bất kể chủng tộc, ngôn ngữ hay sắc tộc. Thủ đô mới của Indonesia, dưới cái tên này, sẽ thể hiện thực tế đó", Bộ trưởng Monoarfa giải thích.
Giai đoạn dời đô ban đầu dự kiến bắt đầu từ khoảng giữa năm 2022 và 2024, với một số dự án được tiến hành dưới hình thức hợp tác công - tư, Bộ Tài chính Indonesia cho hay.
Kế hoạch dời đô khỏi Jakarta, siêu đô thị 10 triệu dân thường xuyên đối mặt tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, lũ lụt và ô nhiễm không khí, đã được nhiều tổng thống đưa ra, nhưng chưa từng tiến xa như hiện nay. Widodo lần đầu công bố kế hoạch của mình hồi năm 2019, nhưng tiến trình bị đình trệ vì Covid-19.
Nusantara được kỳ vọng giúp củng cố chuỗi cung ứng, tạo dựng vị thế chiến lược hơn cho Indonesia trên các tuyến thương mại toàn cầu, dòng vốn đầu tư và đổi mới công nghệ. Theo tầm nhìn của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, thủ đô mới sẽ trở thành "siêu trung tâm" phát thải ít carbon, nâng đỡ các ngành dược phẩm, y tế và công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng bền vững bên ngoài đảo Java.
Tuy nhiên, chưa có khung thời gian rõ ràng về tiến độ hoàn thành dự án. Jakarta vẫn sẽ là thủ đô của Indonesia cho đến khi Tổng thống ban hành sắc lệnh thay đổi chính thức. Giới phê bình còn cho rằng quốc hội phê chuẩn luật dời đô quá vội vã, chưa tham vấn công chúng và đánh giá tác động môi trường đầy đủ.
Borneo, địa điểm đặt thủ đô mới theo dự kiến, có diện tích 743.300 km2, là đảo lớn thứ ba thế giới và lớn nhất ở châu Á. Ba quốc gia có lãnh thổ trên Borneo là Brunei, Malaysia và Indonesia, trong đó Indonesia chiếm 73% diện tích. Thủ đô Jakarta nằm trên đảo Java, nơi có diện tích khoảng 128.000 km2 nhưng tập trung tới 60% dân số Indonesia.
Ánh Ngọc (Theo Reuters, SCMP)