6 đảng đối lập tại Hungary ngày 5/2 triệu tập phiên họp khẩn tại quốc hội để tiến hành bỏ phiếu về việc phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO. Tuy nhiên, các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Fidesz của Thủ tướng Viktor Orban đã vắng mặt, khiến cuộc bỏ phiếu không thể diễn ra.
Phiên họp có sự góp mặt của các đại sứ một số nước NATO, trong đó có Mỹ, động thái được cho là nhằm gây sức ép với đảng của ông Orban về việc đẩy nhanh tiến độ duyệt Thụy Điển vào khối. Phát biểu sau phiên họp, đại sứ Mỹ tại Hungary David Pressman cho biết Washington đang "theo dõi chặt chẽ vấn đề này và mong muốn Budapest hành động một cách nhanh chóng".
"Thụy Điển gia nhập NATO là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia của Mỹ cũng như toàn bộ liên minh", ông Pressman nhấn mạnh. "Thủ tướng Orban đã cam kết sẽ thúc giục quốc hội hành động sớm nhất có thể. Hôm nay lẽ ra là cơ hội để làm điều đó".
Nghị sĩ đảng Liên minh Dân chủ đối lập Agnes Vadai nói động thái của đảng cầm quyền đã khiến Hungary bị "bẽ mặt", khẳng định "không có lý do gì" chính phủ của ông Orban lại chặn Thụy Điển vào NATO.
"Tôi nghĩ đây là vấn đề của cá nhân ông Orban. Việc ông ấy đang làm thực sự rất phi lý", bà nói. "Ông ấy phải hiểu rằng Thụy Điển gia nhập NATO sẽ phục vụ cho lợi ích và an ninh của Hungary".
Chính quyền Thủ tướng Orban thường chỉ trích Thụy Điển vì "có thái độ thù địch công khai" khi nhiều lần chỉ trích về các vấn đề pháp quyền của Hungary. Mâu thuẫn hai nước ngày càng gia tăng hồi cuối năm 2023, sau khi xuất hiện video được phát ở các trường học Thụy Điển từ năm 2019, trong đó nói rằng nền dân chủ ở Hungary bị suy thoái.
Thủ tướng Orban ngày 23/1 gửi thư mời người đồng cấp Thụy Điển Ulf Kristersson đến Budapest để thảo luận về việc gia nhập NATO. Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom sau đó phản hồi nước này "không có lý do để thảo luận" với Hungary.
Đảng Fidesz hôm nay cho biết có thể sẽ phê chuẩn Stockholm vào NATO trong phiên họp quốc hội kế tiếp, song nhấn mạnh rằng Thủ tướng Thụy Điển cần phải tới thăm Hungary trước. "Nếu đây là vấn đề quan trọng đến thế với người dân Thụy Điển, Thủ tướng của họ đương nhiên sẽ phải đến Budapest", đại diện đảng cầm quyền Hungary cho hay.
Thủ tướng Thụy Điển Kristersson trước đó nói ông sẵn sàng tới thăm Hungary, song chỉ sau khi Budapest đã chấp thuận cho Stockholm gia nhập NATO.
Thụy Điển cùng Phần Lan hồi tháng 5/2022 nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự. Phần Lan hồi tháng 4/2023 gia nhập NATO thành công, sau khi nhận được sự ủng hộ từ 30 nước thành viên, trong khi Thụy Điển lúc đó gặp trở ngại từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 25/1 đã ký phê duyệt nghị định thư xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Thủ tướng Orban cuối tháng 1 nói Hungary ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO và sẽ phê chuẩn nghị định thư của Stockholm sớm nhất có thể, tuy nhiên đảng của ông lại tẩy chay cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay.
Phiên họp thường kỳ tiếp theo của quốc hội Hungary dự kiến diễn ra vào ngày 26/2, song nghị sĩ Vadai cho rằng không có gì đảm bảo đảng của ông Orban sẽ nhanh chóng duyệt Thụy Điển vào NATO.
Phạm Giang (Theo AP)