-
Kết thúc hỗn loạn
Sau khi quốc hội bỏ phiếu, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục duy trì thiết quân luật tới khi Tổng thống Yoon ra lệnh dỡ bỏ.
Khoảng hai tiếng sau, ông Yoon tuyên bố chấp nhận yêu cầu của quốc hội. Tình trạng thiết quân luật được chấm dứt khoảng 5 tiếng sau khi ban bố.
-
Nghị sĩ kêu gọi bắt Tổng thống Hàn Quốc
"Nếu Tổng thống Yoon không tuân thủ nghị quyết được thông qua tại quốc hội, đây sẽ là hành động vi phạm pháp luật và phản quốc", nghị sĩ Cho Kuk, từng là bộ trưởng tư pháp và trợ lý tổng thống phụ trách vấn đề dân sự, nói.
Theo ông Cho, Tổng thống Yoon "ban bố thiết quân luật bất hợp pháp và đây là căn cứ để luận tội". Nghị sĩ này nhận định đây là "khủng hoảng cấp quốc gia" và đề nghị công tố viên bắt ông Yoon và Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun ngay lập tức. Bộ trưởng Kim được cho là người đã đề xuất ông Yoon ra quyết định đó.
Han Dong-hoo, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân của ông Yoon, nói "thiết quân luật, được ban bố một cách bất hợp pháp, đã mất hiệu lực".
Nhiều người dân vẫn tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội. Họ hét lên "Đại Hàn muôn năm!", "Hãy bắt ông Yoon Suk-yeol!", "Tổng thống hãy từ chức đi!".
-
Binh sĩ rút khỏi tòa nhà quốc hội
Sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won-shik thông báo "toàn bộ binh sĩ đã rút khỏi tòa nhà". Truyền thông đưa tin trực thăng quân đội bắt đầu rời khỏi khu vực. Trong khi đó, nhân viên và trợ lý quốc hội vẫn chặn cửa vào phòng họp của cơ quan.
-
Phóng viên Hàn Quốc: "Mọi người đều sửng sốt"
Những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông và chính trị Hàn Quốc vô cùng bối rối sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol ban bố thiết quân luật. "Mọi người đều sửng sốt, họ không biết chuyện gì đang xảy ra", Kenneth Choi, biên tập viên của Chosun Ilbo, cho biết.
Theo biên tập viên Choi, ông Yoon dường như chưa thông báo cho nhiều người thân cận trước khi ra lệnh.
-
Chặn thiết quân luật
Toàn bộ 190 nghị sĩ có mặt tại phiên họp quốc hội đều bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ thiết quân luật. Văn phòng Chủ tịch Quốc hội sau đó thông báo "tuyên bố thiết quân luật bị vô hiệu hóa sau khi nghị quyết được thông qua".
Theo quy định, Tổng thống Hàn Quốc có trách nhiệm thông báo ngay lập tức cho quốc hội sau khi ban bố thiết quân luật. Nếu đa số nghị sĩ quốc hội bỏ phiếu yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật, Tổng thống Hàn Quốc phải tuân thủ điều này.
-
Quốc hội Hàn Quốc họp khẩn
Quốc hội Hàn Quốc lúc 0h49 ngày 4/12 (22h49 ngày 3/12 giờ Hà Nội) khai mạc phiên họp với sự hiện diện của 190 nghị sĩ. Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won-shik, thuộc đảng Dân chủ đối lập, cho biết đây là phiên họp khẩn liên quan thiết quân luật. Ông tiết lộ đã phải trèo tường vào tòa nhà trong cơn hỗn loạn để chủ trì sự kiện.
Đảng Đối lập chiếm nhiều ghế nhất trong quốc hội Hàn Quốc, với 170 trong số 300 ghế. Đảng Quyền lực Nhân dân của ông Yoon giữ 105 ghế.
Trong khi đó, lực lượng thiết quân luật đã vào bên trong tòa nhà quốc hội và xô xát với các trợ lý nghị sĩ trong khi cố gắng xông phòng họp. Nhân viên quốc hội xịt bình cứu hỏa, sử dụng nhiều vật dụng để chặn cửa, tìm cách cản họ lại.
-
An ninh chặn lối vào tòa quốc hội
Sau khi Tổng thống Yoon Seok-yeol ban bố thiết quân luật vào 23h (21h giờ Hà Nội) ngày 3/12, cảnh sát Hàn Quốc phong tỏa lối vào tòa nhà quốc hội. Khoảng 40 phút sau, đụng độ nổ giữa cảnh sát với người dân, phóng viên và YouTuber. Khi cảnh sát cố gắng đóng cổng chính, một số người tìm cách vào trong khuôn viên tòa quốc hội và hét lên "nếu họ đóng lại, chúng ta không thể vào được", "đẩy họ vào" và thậm chí tấn công các sĩ quan. Cảnh sát sau đó đóng được cổng vào tòa nhà quốc hội Hàn Quốc và dựng thêm rào chắn.
Những người tụ tập tại đó hô "mở cổng", "bỏ thiết quân luật", "mở cửa quốc hội cho người dân". Khoảng 23h46, ba trực thăng được cho là của quân đội Hàn Quốc bay tới tòa nhà quốc hội. Một số nhân chứng cho biết chúng chở theo binh sĩ mang theo súng. Một số xe buýt có dòng chữ "cảnh sát" và "lục quân Hàn Quốc" tới đỗ trên các tuyến đường quanh khu vực.
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin chỉ các nghị sĩ, nhân viên ban thư ký quốc hội và phóng viên chuyên trách được qua hai cổng sau khi xác minh danh tính. Một số nghị sĩ bị chặn bên ngoài quốc hội, trong đó có nghị sĩ Park Sung-min, Jeong Dong-man, Kim Ki-hyun thuộc đảng Quyền lực Nhân dân và nghị sĩ Kim Kyo-heung của đảng Dân chủ.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters, AFP, Yonhap)