Chiều 28/11, mở đầu phiên làm việc cuối cùng của kỳ họp, đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết 35 (sửa đổi) về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Có 453 đại biểu tham gia biểu quyết (đạt 91,15% tổng số đại biểu), trong đó số tán thành là 405 (đạt 81,49%), không tán thành có 35 người (7,04%) và không biểu quyết là 13 người (2,62%).
Theo Nghị quyết sửa đổi vừa được thông qua, Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Việc lấy phiếu diễn ra một lần vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.
Mục đích việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát Quốc hội, Hội đồng nhân dân, giúp người được lấy phiếu phấn đấu, rèn luyện. Đây cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ.
Người được lấy phiếu tín nhiệm nếu có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức người đó.
Người được lấy phiếu có từ hai phần ba tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.
Người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ các nội dung mà đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu.
Người có thời gian đảm nhận chức vụ chưa đủ 12 tháng không thuộc diện lấy phiếu.
Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi đến Quốc hội, Hội đồng nhân dân trước kỳ họp.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu có) đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước khai mạc kỳ họp.
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Kết quả lấy phiếu sẽ được công bố công khai. Nghị quyết có hiệu lực từ 1/7/2015.
Hoàng Thuỳ - Nam Phương