Sáng 14/6, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia với 408 trong tổng số 450 đại biểu có mặt ở hội trường tán thành (tỷ lệ 84,3%).
Một trong những điểm mới của Luật này là quy định cấm người dân "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông. Trước khi thông qua toàn bộ nội dung của dự thảo Luật, Quốc hội biểu quyết riêng về quy định cấm này và đã có 77,2% đại biểu tán thành.
Theo bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội, trước đó vào chiều 3/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến đại biểu hai phương án, trong đó có quy định "Cấm người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông". Nhưng các phương án này đều không đạt trên 50% đại biểu tán thành.
Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" là cần thiết. Quy định này sẽ mở rộng các trường hợp không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông; tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.
Đồng thời, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan để có các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với vi phạm pháp luật về giao thông do sử dụng rượu, bia.
"Do đó, Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định nghiêm cấm: Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", bà Thuý Anh nói trong báo cáo giải trình sáng nay.
Trước đề nghị này, Quốc hội biểu quyết với tỷ lệ 77,2% đại biểu tán thành như nêu trên. Như vậy, sau hơn 10 ngày, từ chỗ chỉ đạt tỷ lệ dưới 50% trong phiên lấy ý kiến, đến phiên thông qua Luật chính thức, đa số đại biểu chuyển sang đồng ý với quy định "đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện giao thông".
Ngoài nội dung trên, Luật cũng nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe...
Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ đầu năm 2020.
Luật Giao thông đường bộ hiện hành đã quy định lái xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường thì tuyệt đối không được uống rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở không được có nồng độ cồn).
Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy chỉ được uống ở mức pháp luật cho phép - nồng độ cồn trong máu không vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Như vậy, một trong những điểm mới của Luật này là cấm uống rượu, bia với người điều khiển xe máy (còn với tài xế ôtô thì Luật hiện hành đã cấm).