Cao tốc dài 128,8 km, chia thành 5 dự án thành phần. Sơ bộ tổng mức đầu tư 25.540 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương 10.536,5 tỷ đồng (nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 là 8.770 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 1.766,5 tỷ đồng).
Vốn ngân sách địa phương là 2.233,5 tỷ đồng, trong đó tỉnh Bình Phước 1.233,5 tỷ đồng, tỉnh Đăk Nông 1.000 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp là 12.770 tỷ đồng.
Theo tính toán, nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.111 ha, trong đó đất trồng lúa 12 ha, đất nông nghiệp khác 1.041 ha, đất ở 12 ha, đất rừng sản xuất 46 ha. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.
Dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đăk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) được đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP. Dự án này được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.
Các dự án thành phần 2, 3, 4, 5 gồm: Đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang; bồi thường, hỗ trợ tái định cư đoạn qua tỉnh Đăk Nông và Bình Phước.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng đây sẽ là tuyến đường đẹp, được người dân Đông Nam Bộ chờ đợi. Dựa trên kinh nghiệm xây dựng cao tốc thì thời gian tối đa để làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành chỉ khoảng 1,5 năm.
Ông Thắng lý giải thời điểm triển khai dự án có nhiều thuận lợi. Hai tỉnh Đăk Nông và Bình Phước đã giải phóng mặt bằng xong, chuẩn bị sẵn sàng cho khởi công dự án. Hai địa phương cũng bố trí đủ trữ lượng mỏ vật liệu để phục vụ xây dựng. Nếu 2025 khởi công thì hết 2026 có thể hoàn thành dự án.
Cao tốc được quy hoạch 6 làn xe. Giai đoạn đầu sẽ thi công 4 làn hoàn chỉnh, sau khi mãn tải vào khoảng năm 2045 sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn.
Hiện cả nước đã hoàn thành thêm 674 km cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành, nâng chiều dài đường cao tốc lên 2.001 km. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phát động phong trào thi đua để cả nước có 3.000 km cao cốc trong năm 2025.