Chiều 28/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó cho phép tỷ lệ góp vốn của nhà nước đối với dự án đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình không quá 80% tổng mức đầu tư, phần vốn tăng thêm được bố trí từ ngân sách địa phương. Dự án cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) không quá 70% tổng mức đầu tư.
Theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không được vượt 50% tổng mức đầu tư dự án. Điều này đã khiến các dự án hạ tầng đường bộ tại các vùng sâu, nơi có lưu lượng xe thấp khó thu hút vốn đầu tư xã hội.
Quốc hội cũng giao Thủ tướng xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc đối với 7 dự án. Đơn cử như dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành; cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua Sơn La; cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình; dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang... Sáu dự án chưa đủ thủ tục đầu tư cũng được giao UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm hoàn thiện thủ tục.
Để đẩy nhanh tiến độ khai thác vật liệu xây dựng dự án, Quốc hội đồng ý trao cơ chế đặc thù như nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại 21 dự án, phần lớn là các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 và các tuyến đường do địa phương đang triển khai.
Việc khai thác khoáng sản theo cơ chế đặc thù được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường...
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày thông qua và được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025.