Nghị quyết giao cho Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục khảo sát, hoàn chỉnh hồ sơ dự án, thiết kế kỹ thuật, quyết định phê duyệt mực nước dâng bình thường cụ thể của hồ chứa, quản lý chặt chẽ các khâu của quá trình thực hiện dự án để đảm bảo an toàn tuyệt đối và hiệu quả kinh tế tổng hợp. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, với quyết định điều chỉnh mực nước dâng, khối lượng công việc tính toán mà chính phủ phải thực hiện tới đây theo từng phương án cụ thể sẽ tăng gấp đôi so với quy mô dự kiến ban đầu. Nhờ vậy, sẽ có nhiều phương án hơn để lựa chọn, đáp ứng chỉ số an toàn cao nhất cho công trình, trong khi vẫn đem lại hiệu quả kinh tế.
Với độ cao mực nước dâng được điều chỉnh là 205-215 m (ban đầu là 210-215 m), các chỉ số của dự án cũng thay đổi:
- Công suất lắp máy 1.970-2.400 MW, trung bình mỗi năm cung cấp 7.555-9.209 kWh (dự kiến ban đầu của Chính phủ, thấp nhất là 2.180 MW, tương ứng 8.532 kWh/năm).
- Vốn đầu tư chưa tính lãi vay: 31.000-37.000 tỷ đồng (dự kiến ban đầu 34.037-36.634 tỷ đồng); vốn huy động trong nước 70%, vay ngoài 30%.
- Số dân phải di dời tính đến năm 2010: từ 79.000 người (16.000 hộ) đến 91.000 người (18.000 hộ), so với dự kiến ban đầu ít nhất là 86.900 người (17.390 hộ).
- Địa điểm xây dựng giữ nguyên: xã Ít Ong, huyện Mường La, Sơn La. Công trình nằm trong quy hoạch 3 bậc thang thủy điện Sông Đà: đập Hòa Bình - đập Sơn La trên tuyến Pa Vinh II - và đập Lai Châu tuyến Nậm Nhùn.
Nghị quyết quy định, hàng năm chính phủ phải báo cáo với Quốc hội tình hình thực hiện công trình thủy điện Sơn La. Các cơ quan của Quốc hội thẩm tra các báo cáo của chính phủ liên quan đến công trình.
Những điều chỉnh trên của dự án Sơn La được quyết định trên cơ sở ý kiến các đại biểu trong các buổi thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường trước, xoay quanh yêu cầu tuyệt đối an toàn của công trình. Tất cả đã được Chính phủ tiếp thu và có tờ trình do Bộ trưởng Kế hoạch & đầu tư Võ Hồng Phúc đọc, và được Ủy ban Khoa học công nghệ & môi trường của Quốc hội thẩm tra.
Cũng trong sáng nay, các đại biểu đã nghe báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Pháp luật về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XI. Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình làm luật của cả nhiệm kỳ là 137 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trong đó 118 dự án thuộc chương trình chính thức, 19 dự án thuộc chương trình chuẩn bị. Riêng kế hoạch năm 2003, Quốc hội sẽ thông qua 8 luật, cho ý kiến 8 luật khác, Ủy ban Thường vụ ban hành 20 pháp lệnh. Quy trình làm luật mới theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi được áp dụng ngay. Tính cả nhiệm kỳ, số văn bản thuộc lĩnh vực kinh tế là 30 (chương trình chính thức) và 6 (chuẩn bị). Theo Chủ tịch Nguyễn Văn An, chương trình làm luật này chú trọng nhiều tới việc hoàn thiện khung pháp luật kinh tế.
Theo kế hoạch, tại kỳ họp thứ 3 (dự kiến tháng 5/2003), Quốc hội sẽ ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội. Để đảm bảo chất lượng của đạo luật quan trọng này, các đại biểu đã thông qua nghị quyết thành lập ủy ban lâm thời để thẩm tra dự luật. Ủy ban gồm 25 thành viên, trong đó một nửa là đại biểu chuyên trách, do ông Lê Quang Bình, đại biểu tỉnh Kon Tum, làm chủ nhiệm. Ủy ban có trách nhiệm nghiên cứu, thẩm tra dự luật này, và chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Chiều nay, Quốc hội bế mạc kỳ họp sau khi thông qua nghị quyết về nhiệm vụ năm 2003.
Nghĩa Nhân