Điều 5, khoản 4 Luật Ngân sách có nêu: Người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Theo ông Dũng, nói vậy chưa đủ mà phải nêu rõ tính tự chịu trách nhiệm của người lãnh đạo. Có như vậy Luật Ngân sách mới đáp ứng được lòng mong mỏi của toàn dân là giảm thiểu tối đa tình trạng lạm chi ngân sách Nhà nước. Hiện nay, ngay trong nhiều đại biểu Quốc hội vẫn có thói quen ví ngân sách như một chiếc bánh và ông Dũng cho rằng, quan niệm này cần phải bỏ ngay. "Nghĩ đến cái bánh là người ta nghĩ đến ăn nó như thế nào. Như vậy không được. Chúng ta phải xem ngân sách như xăng dầu đưa vào cho các máy hoạt động và làm ra sản phẩm cho toàn xã hội. Và muốn vậy phải tìm cách quản lý chặt chẽ và phải kín ngay từ trong luật" - ông Dũng nói.
Làm thế nào để quản lý nguồn thu chi ngân sách và ai có thẩm quyền quyết định, chịu trách nhiệm trong việc chi tiêu? Ngay từ chương đầu tiên (Quy định chung), các đại biểu Quốc hội cũng đã bàn khá kỹ về những vấn đề liên quan đến thu, chi ngân sách cấp trung ương, địa phương, khoản dự phòng, quỹ dự trữ tài chính... Đa số đại biểu đã thống nhất việc xây dựng hệ thống ngân sách nhà nước phân 4 cấp (trung ương, cấp tỉnh, huyện, xã) là hợp lý. Song có nhiều ý kiến băn khoăn về định mức phân bổ ngân sách - vấn đề rất quan trọng - lại không được quy định trong chương này. Theo đại biểu Trần Mạnh Tiền (Bắc Giang), đây sẽ là căn cứ để Quốc hội xem xét quyết định dự toán Ngân sách Nhà nước, để phân bổ ngân sách Trung ương và địa phương sao cho bảo đảm sự công bằng giữa các địa phương. Vì vậy, ông Tiền đề nghị, Luật Ngân sách phải bổ sung nêu rõ: Chính phủ xây dựng về nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ ngân sách Nhà nước, định mức chi của ngân sách chi tiết cho từng vùng, miền để thực hiện thống nhất trong quản lý.
Một số đại biểu bày tỏ sự lo ngại về quy định của Điều 8, khoản 3 với nội dung cân đối ngân sách địa phương: "Mức dư nợ từ nguồn huy động không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh". Theo đại biểu Trần Công Kích (Ninh Bình), vấn đề này không nên đưa vào Luật vì khoản vay đầu tư đó thực chất đã là bội chi Ngân sách. Nếu tiếp tục mở đường cho vay thì nợ chồng chất, lợi bất cập hại.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, đây là luật mang tính chuyên ngành, rất nhiều từ ngữ bản thân đại biểu Quốc hội muốn hiểu cũng phải tra cứu từ điển, vì vậy chương I cần phải bổ sung thêm Điều giải thích thuật ngữ: kiểm toán, hạch toán, quyết toán, chứng từ hợp lệ, chứng từ hợp pháp, kết dư ngân sách, ngân sách Nhà nước, Ngân sách Chính phủ...
Chương II, từ Điều 15 đến 28 đã quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ các cơ quan khác của Nhà nước và trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân về ngân sách. Tuy nhiên, trong phần nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thống đốc Lê Đức Thúy đã bày tỏ rõ sự lo lắng khi điểm 2, Điều 23 vẫn không được sửa đổi: "Tạm ứng cho ngân sách Nhà nước để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ". Ông Thúy cho rằng, sự không rõ ràng trong từ "thiếu hụt tạm thời" đã làm cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước có những căng thẳng trong giải quyết những vấn đề liên quan. Chẳng hạn, có những khoản doanh nghiệp Nhà nước, nông dân vay vốn ngân hàng thương mại không trả, được Chính phủ cho khoanh nợ, xoá nợ. Trong trường hợp này, Bộ Tài chính thường xuyên đưa ra đề nghị ngân hàng thương mại xóa cho người vay, còn ngân hàng Nhà nước xóa khoản nợ vay tái cấp vốn của ngân hàng thương mại với Ngân hàng Nhà nước. Như vậy khoản cho vay của Ngân hàng nhà nước đã trở thành cấp không.
Ban soạn thảo đã giải trình những thắc mắc của đại biểu Quốc hội. Đặc biệt trước đề nghị phải có quy định chặt chẽ về trách nhiệm của những người điều hành các khoản thu chi, Bộ trưởng Tài chính đề nghị bổ sung ngay điều cuối cùng của chương II (Điều 28 khoản a): Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Trung ương, các cấp chính quyền địa phương tổ chức thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong lĩnh vực tài chính ngân sách và chịu trách nhiệm về những sai phạm phát sinh.
Quốc hội sau một ngày làm việc căng thẳng đã thông qua được 2 chương Luật Ngân sách. Ngày 7-8/12, Quốc hội nghỉ làm việc và ngày 9/12 tiếp tục xem xét để thông qua 6 chương còn lại của Luật.
Bình Yên