Ông Lê Minh Hoàng. Ảnh: Người Lao Động |
Ông Thanh cho biết, hiện ông chưa nhận được thông tin khởi tố vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty Điện lực TP HCM, nơi ông Lê Minh Hoàng, đại biểu Quốc hội khóa 11, từng là giám đốc.
Theo ông Thanh, Quốc hội sẽ không có ý kiến nếu cơ quan điều tra đang xem xét trách nhiệm cá nhân của ông Lê Minh Hoàng vì "cơ quan điều tra cần có sự độc lập". Trường hợp đã xác định rõ sai phạm của cá nhân ông Hoàng, cơ quan điều tra đề nghị truy tố thì phải có văn bản gửi Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội (trong thời gian Quốc hội không họp) xem xét, chứ không được quyền truy tố, bắt giam đại biểu Quốc hội.
Ông Thanh dẫn ra điều 58 của Luật tổ chức Quốc hội 2002. Theo đó, nếu không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trước đó, trả lời VnExpress về trường hợp nào đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm và ai sẽ bãi nhiệm, một cán bộ của Văn phòng Quốc hội cho biết phải làm theo điều 32, quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội.
Điều 32 quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội: 1. Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu Quốc hội đó. 2. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo quy định của nội quy kỳ họp Quốc hội. Nghị quyết của Quốc hội về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội được gửi đến Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu được bầu và Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu chuyển đến sinh hoạt (nếu có), đồng thời gửi đến người bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức thông báo cho cử tri ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu và nơi đại biểu chuyển đến sinh hoạt (nếu có). |
Như Trang