Điều 141 Luật Tổ chức tòa án (sửa đổi) cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp, Tuy nhiên, ghi hình chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định. Việc ghi âm, ghi hình phải được đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp, những người có liên quan theo quy định (khoản 3).
Quy định trên không khác so với Nội quy phiên tòa được đề cập tại khoản 4, Điều 234, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: "Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ".
Tuy nhiên, trước đó trong dự thảo, TAND Tối cao đề xuất ghi âm, ghi hình tại phiên tòa chỉ thực hiện trong thời gian "khai mạc, tuyên án, công bố quyết định" và đều phải được chủ tọa cho phép. Việc ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa... cũng cần có sự đồng ý của họ.
Nhiều người đánh giá đề xuất này đã thu hẹp điều kiện tác nghiệp của phóng viên, bởi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Báo chí đều cho phép nhà báo được tham dự đưa tin "diễn biến", "được tác nghiệp" tại các phiên tòa xét xử công khai.. Trong đó, ghi âm, ghi hình là hoạt động đặc thù của nghề báo.
"Như đề xuất tại dự thảo, hoạt động tác nghiệp nếu chỉ được thực hiện lúc tòa khai mạc, tuyên án, công bố quyết định thì phóng viên lấy đâu ra dữ liệu và cơ sở để đưa tin về diễn biến từ xét hỏi, lời khai, tranh tụng", ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó ban chuyên trách Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam, nêu quan điểm với VnExpress.
Ngày 28/5 thảo luận tại Quốc hội về đề xuất trong dự thảo có đại biểu đã đề nghị "cần cởi mở" cho phóng viên ghi âm, ghi hình tại phiên tòa.
Tại kỳ họp này, việc ghi âm, ghi hình phiên tòa chia thành hai phương án trình Quốc hội cho ý kiến. Phương án 1, việc ghi âm lời nói, hình ảnh của hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của chủ tọa. Ghi âm lời nói, hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa. Đặc biệt, người tham dự chỉ được ghi hình ảnh phiên tòa khi khai mạc và tuyên án.
Tòa được ghi âm lời nói, hình ảnh toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình sẽ thực hiện theo quy định pháp luật. Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết khoản này.
Phương án 2, không quy định việc ghi âm, ghi hình như trên mà thực hiện theo quy định của các luật tố tụng.
Tại luật được thông qua hôm nay, Quốc hội cũng không đồng ý đổi tên tòa án cấp huyện, tỉnh như đề xuất.
Tại dự thảo luật, TAND Tối cao đề xuất TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được đổi thành TAND phúc thẩm và TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương đổi thành TAND sơ thẩm. Ví dụ, TAND thành phố Hà Nội sẽ đổi thành TAND phúc thẩm Hà Nội, TAND quận Hoàn Kiếm thành TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm.
Thay đổi trên được cho rằng nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng về "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử". Tòa án hoạt động theo thẩm quyền tố tụng nên việc tổ chức theo cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm không đơn thuần là đổi tên mà chính là tuân thủ Hiến pháp và đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử.
Tuy nhiên, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra và nhiều đại biểu không tán thành, cho rằng đổi tên chỉ là "vấn đề hình thức". Bởi các tòa án này vẫn gắn với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và giữ nguyên về thẩm quyền; chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm tính độc lập theo thẩm quyền xét xử. Thay đổi sẽ dẫn tới không tương thích về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Việc này cũng khiến phải sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp.
Với luật mới, tòa án sẽ có thêm TAND sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số vụ việc đặc thù về hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ. TAND Tối cao xây dựng đề án, phương án cụ thể đề xuất nơi đặt trụ sở, số lượng từng TAND sơ thẩm chuyên biệt.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hành chính là loại việc khó và phức tạp, xảy ra ngày càng nhiều. Nếu không có quy định phù hợp có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán và Hội thẩm nhân dân khi giải quyết loại án này. Vụ việc sở hữu trí tuệ và vụ việc phá sản tuy hiện nay số lượng chưa nhiều, nhưng tính chất phức tạp và ngày càng tăng theo sự phát triển kinh tế của đất nước.
Giải quyết vụ việc sở hữu trí tuệ, phá sản cần có đội ngũ cán bộ chuyên sâu về pháp luật, hiểu biết về các lĩnh vực chuyên môn. Việc thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt về Hành chính, Sở hữu trí tuệ, Phá sản để giải quyết các vụ việc đặc thù là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được thông qua gồm 9 chương với 152 Điều, hiệu lực từ ngày 1/1/2025.