Cụ thể, sĩ quan công an biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có hàm cao nhất là thượng tướng.
Năm vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng gồm Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân; Hiệu trưởng trường Đại học An ninh nhân dân; một Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; hai vị trí Phó cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết việc xác định số vị trí cấp tướng đã được xem xét, đánh giá thận trọng, đặt trong tổng thể tương quan với số vị trí cấp tướng Quân đội nhân dân và đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Luật Công an nhân dân hiện hành quy định 199 vị trí có bậc hàm cấp tướng; từng vị trí đã được quy định cụ thể trong Luật và trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo luật này bổ sung sáu vị trí có cấp bậc hàm cao nhất (cấp tướng) là đủ số lượng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Tăng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan công an
Luật sửa đổi vừa được thông qua quy định tăng thêm 2 tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan trong công an; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp tướng vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành.
Ông Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến đề nghị đánh giá tác động và giải trình về việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan và công nhân công an. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tăng hạn tuổi phục vụ thì kinh phí chi trả (lương cho cán bộ được kéo dài hạn tuổi) ít hơn so với kinh phí trả lương cho cán bộ, chiến sĩ được tuyển dụng mới, lương hưu cho cán bộ nghỉ hưu, chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ mới tuyển dụng để thay thế.
Về biên chế, tăng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan và công nhân công an đồng nghĩa với việc không phải tuyển dụng công dân thay thế cho sĩ quan, hạ sĩ quan khi hết hạn tuổi phục vụ; không làm tăng biên chế mà còn sử dụng tối đa kinh nghiệm, trình độ chuyên môn của lực lượng này.
Việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất còn tăng số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm y tế; đồng thời tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để cán bộ, chiến sĩ đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất.
Ngoài ra, quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Nội dung này kế thừa quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 về hạn tuổi phục vụ cao nhất; phù hợp quy định của Bộ luật Lao động; phù hợp điều kiện thực tiễn công tác, chiến đấu của từng vị trí cấp bậc hàm.
Trên cơ sở quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với mỗi cấp bậc hàm, Bộ trưởng Công an sẽ quy định hạn tuổi phục vụ đối với các chức vụ, chức danh cho phù hợp tính chất đặc thù của từng lực lượng, đơn vị và vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác đặc thù của mỗi cá nhân. Trường hợp làm việc trong môi trường nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại thì được nghỉ hưu trước hạn tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân có hiệu lực từ ngày 15/8.