Ảnh các nạn nhân của thời kỳ Khmer Đỏ. |
Đạo luật này còn phải chờ Thượng viện và Quốc vương Norodom Sihanouk thông qua, nhưng những việc này chỉ mang tính thủ tục.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Hoàng thân Norodom Ranariddh cho biết quá trình thảo luận dự kiến kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ hôm nay. Lý do là các nghị sĩ cần tranh luận và thông qua một số sửa đổi trong luật về việc lập toà án - văn bản tạo cơ sở cho hoạt động của cơ quan xét xử. Cả đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) và đảng đối lập Sam Rainsy hứa sẽ phê chuẩn dự luật.
"Việc thông qua là nghĩa vụ của Campuchia với những người còn sống sót qua chế độ diệt chủng", Youk Chhang, Giám đốc trung tâm tài liệu về các tội ác Khmer Đỏ, cho biết.
Chưa một thủ lĩnh chế độ Khmer Đỏ nào bị đưa ra trước công lý, dù gây tội ác giết 1,7 triệu người trong thời kỳ cầm quyền 1975-1979. Pol Pot chết năm 1998, còn nhiều nhân vật hàng đầu khác, hiện nay đã già nua và ốm yếu, vẫn sống tự do ở Campuchia. Chỉ có Ta Mok, cựu chỉ huy quân đội, và Kaing Khek Iev, cựu phụ trách thẩm vấn, là đang bị giam giữ chờ xét xử.
Sau khi dự luật được thông qua, chính phủ Campuchia và Liên Hợp Quốc sẽ thảo luận về ngân sách toà án, hiện ước tính là 57 triệu USD. Phnom Penh cam kết chi khoảng nửa chi phí, nhưng cần nước ngoài tài trợ phần còn lại. Cho tới nay, mới có Australia cam kết đóng góp hơn 2 triệu USD.
Trở về từ New York, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong cho biết đã hối thúc Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan nhanh chóng tìm các nhà tài trợ quốc tế cho toà án. Về phần mình, ông Annan đề xuất chính phủ Campuchia trình thư yêu cầu ông kêu gọi tài trợ.
Sau hơn 5 năm đàm phán, tháng 6/2003, Campuchia ký thoả thuận với Liên Hợp Quốc về việc thiết lập một toà án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Tuy nhiên, việc thông qua đã bị trì hoãn vì Quốc hội đất nước Đông Nam Á này không hoạt động trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 11 tháng.
Nguyễn Hạnh (theo AP, BBC)