"Sau 17 năm, cuối cùng chúng tôi cũng có thể bắt đầu quá trình đàm phán để gia nhập Liên minh châu Âu (EU)", Thủ tướng Bắc Macedonia Dimitar Kovacevski ngày 16/7 nói sau một cuộc bỏ phiếu của quốc hội.
Bắc Macedonia trở thành ứng viên gia nhập EU từ năm 2005, nhưng Bulgaria, một thành viên của khối, đã ngăn chặn bất cứ cuộc đàm phán nào về triển vọng gia nhập của nước này do tranh chấp về vấn đề ngôn ngữ và lịch sử giữa hai quốc gia.
Chỉ đến tháng trước, Bulgaria mới chấp thuận dỡ bỏ rào cản này, với điều kiện EU đảm bảo Bắc Macedonia đáp ứng những yêu cầu của họ về các vấn đề trên.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau đó đưa ra một đề xuất thỏa thuận, trong đó Bắc Macedonia cam kết thay đổi luật để công nhận dân tộc thiểu số người Bulgaria, bảo vệ quyền của người thiểu số và cấm các phát ngôn thù ghét chủng tộc.
Quốc hội Bắc Macedonia đã thông qua một khuôn khổ nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán về đề xuất này. Quyết định được Brussels và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoan nghênh.
"Đây là một bước đi lịch sử, từ hôm nay trở đi, Bắc Macedonia sẽ đẩy nhanh quá trình đàm phán gia nhập EU. Chúng ta chỉ còn một bước nữa là tới cuộc họp liên chính phủ đầu tiên với khối", ông Kovacevski nói.
Cộng hòa Bắc Macedonia có dân số khoảng 2 triệu người, nằm ở khu vực đông nam châu Âu, giáp với Bulgaria ở phía đông.
Bulgaria đã tiến hành các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU cho cả Bắc Macedonia và Albania kể từ năm 2020.
EU đang xúc tiến quá trình kết nạp thêm thành viên kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Các lãnh đạo EU cuối tháng 6 trao tư cách ứng viên cho Ukraine và Moldova nhằm thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ, gọi đây là "thời khắc lịch sử".
Đức Trung (Theo AFP)