Kho dự trữ dồi dào bậc nhất châu Âu này đã được Phần Lan xây dựng trong nhiều năm, không chỉ bao gồm vật tư y tế mà còn cả dầu, ngũ cốc, nông cụ và nguyên vật liệu để chế tạo đạn dược. Các quốc gia Bắc Âu láng giềng gồm Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch cũng từng tích lũy kho dự trữ lớn thiết bị y tế, quân sự, nhiên liệu và thực phẩm trong thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng sau đó, hầu hết đã từ bỏ.
Khi bị Covid-19 tấn công, chính phủ Phần Lan lần đầu tiên mở kho dự trữ từ sau Thế chiến II. "Phần Lan là quốc gia có tinh thần phòng bị cao nhất Bắc Âu, họ luôn chuẩn bị sẵn sàng đối phó thảm họa lớn hoặc Thế chiến III", Magnus Hakenstad, học giả tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy, cho biết.
Mặc dù Phần Lan liên tục xếp hạng cao trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, vị trí địa lý và bài học lịch sử đã dạy cho quốc gia 5,5 triệu dân luôn phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, Tomi Lounema, giám đốc điều hành của Cơ quan Cung ứng Khẩn cấp Quốc gia Phần Lan, nói. Ông nhắc đến việc Phần Lan luôn dè chừng nước láng giềng Nga và từng lâm vào chiến tranh với Liên Xô năm 1939.
Phần lớn hoạt động thương mại của Phần Lan đi qua biển Baltic. Đây được coi là điểm yếu vì không giống như Thụy Điển, nơi giáp Biển Bắc ở phía tây, Phần Lan phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện an ninh và giao thông hàng hải ở biển Baltic. "Nếu khủng hoảng xảy ra, chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn", Lounema nói.
Hai tuần trước, khi số ca nhiễm nCoV tại Phần Lan bắt đầu tăng nhanh, Bộ Y tế và Xã hội yêu cầu phân phát khẩu trang dự trữ cho các bệnh viện trên toàn quốc. Phần Lan tới nay đã ghi nhận hơn 1.900 ca nhiễm và gần 30 người tử vong. "Khẩu trang đã cũ nhưng chúng vẫn dùng được", Lounema cho biết.
Phần Lan không công khai số lượng khẩu trang và vật tư khác trong kho dự trữ chiến lược cũng như địa điểm cất trữ chúng. "Tất cả chi tiết về kho hàng đều là thông tin mật", Lounema nói thêm. Tuy nhiên, giới chức xác nhận rằng hàng dự trữ được giữ trong một mạng lưới cơ sở trải rộng khắp cả nước được xây dựng từ những năm 1950.
Với biện pháp này, Phần Lan có lợi thế lớn hơn nhiều nước khác khi đối phó với đại dịch. Các quốc gia khác như Mỹ đang lâm vào tình trạng thiếu khẩu trang, máy thở và đồ bảo hộ, buộc họ phải cạnh tranh quyết liệt, ngay cả với đồng minh, để giành được các lô hàng vật tư y tế.
Giới chức Pháp cho biết họ bị người Mỹ "hớt tay trên" một lô khẩu trang từ Trung Quốc bằng cách trả giá cao hơn ngay tại đường băng, khi máy bay chở hàng chuẩn bị cất cánh. Đức nói rằng chính quyền Trump đã cố gắng thuyết phục một công ty địa phương đang phát triển vaccine nCoV chuyển công tác nghiên cứu sang Mỹ, nhằm khiến họ được tiêm chủng trước tiên khi vaccine hoàn thành.
Ủy ban Châu Âu ngày 19/3 thông báo họ xây dựng kho dự trữ thiết bị y tế đầu tiên để "giúp các quốc gia EU trong bối cảnh đại dịch Covid-19". Một số quốc gia EU thông qua luật mới cấm xuất khẩu các nguyên liệu thiết yếu.
Sự chuẩn bị kỹ càng của Phần Lan phơi bày lỗ hổng của các quốc gia Bắc Âu khác. Tại Thụy Điển, nước được coi là "một mình một kiểu" vì không áp đặt biện pháp mạnh tay chống Covid-19, kho dự trữ ngày càng thu hẹp trong ba thập kỷ qua sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, theo Fredrik Bynander, giám đốc Trung tâm An ninh Xã hội tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển.
"Chúng tôi nghĩ rằng 'hòa bình vĩnh cửu' đã đến và chúng tôi không còn cần kho dự trữ nữa", ông nói, cho biết thêm rằng chính phủ đã bán các mặt hàng dự trữ này.
Năm 1995, Thụy Điển gia nhập Liên minh châu Âu. Kể từ đó, hệ thống y tế Thụy Điển phụ thuộc vào nguồn cung ứng tức thời. Các bệnh viện Thụy Điển chỉ dự trữ vật tư đủ dùng trong hai hoặc ba ngày, theo Anders Melander, nhà phân tích của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển.
"Chúng tôi cho rằng với thị trường tự do, chúng tôi sẽ luôn có thể mua những gì mình cần", Melander nói.
Việc tư nhân hóa ngành dược năm 2009 cũng khoét sâu điểm yếu của Thụy Điển. Trước mốc này, nhà thuốc chính phủ duy trì nguồn cung cho đất nước trong thời kỳ khủng hoảng. Không có cơ quan nào chịu trách nhiệm về kho dự trữ quốc gia sau đó.
"Đây không thực sự là kế hoạch tốt", Melander nói. "Nó giống như là mất bò mới lo làm chuồng. Thị trường tự do chỉ tự do khi mọi thứ đều ổn".
Đài Thụy Điển SVT Nyheter ngày 5/4 đưa tin các bệnh viện đã hết thuốc gây mê Propofol, thuốc được sử dụng trong phẫu thuật và trong một số trường hợp dùng để điều trị bệnh nhân Covid-19 phải sử dụng máy thở.
Mặc dù Thụy Điển đã bỏ bê kho dự trữ của đất nước, họ đã khuyến khích người dân tăng dự trữ cá nhân. Hai năm trước, họ gửi tờ rơi đến hòm thư của người dân với tiêu đề "Nếu khủng hoảng và chiến tranh xảy ra", kêu gọi công chúng tích trữ đồ ăn, nước, quần áo ấm, nến, nước khử trùng tay và thuốc.
Na Uy từng chuẩn bị tốt hơn trước khủng hoảng quốc gia, theo Leif Inge Magnussen, phó giáo sư tại Đại học Đông Nam Na Uy. Nhưng một phân tích rủi ro năm ngoái của Tổng cục Bảo vệ Dân sự Na Uy kết luận rằng đại dịch và tình trạng thiếu thuốc là mối lo ngại chính.
Audun Haga, giám đốc Cơ quan Dược phẩm Na Uy, cho biết nước này có thể cạn kiệt thuốc thiết yếu trong vòng vài tuần, vì phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc, nơi chỉ mới bắt đầu mở lại nhà máy. "Chúng tôi đã trở nên phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia khác và chuỗi cung ứng tức thời", Magnussen nói.
Trong khi đó, Phần Lan nắm thế chủ động vì có trong tay kho dự trữ. "Tinh thần đề phòng đã ăn vào máu người Phần Lan", Lounema nói.
Phương Vũ (NYTimes)