Sau khi đáp ứng được nhu cầu trong nước hai tuần trước, các dây chuyền nhà máy của công ty vẫn hoạt động không ngừng nghỉ vì các đơn đặt hàng từ nước ngoài liên tục đổ về. "Giờ không quốc gia nào trên thế giới không muốn mua máy thở từ Trung Quốc", Li Kai, giám đốc Beijing Aeonmed, nói. "Chúng tôi có hàng chục nghìn đơn hàng đang chờ. Vấn đề là chúng tôi có thể sản xuất nhanh đến mức nào".
Các bệnh viện thường được trang bị vài chục máy thở, chỉ sử dụng cho các ca bệnh nguy kịch. Giờ đây, họ có thể cần chúng cho mọi giường chăm sóc đặc biệt, trong khi số bệnh nhân nhiễm Covid-19 đổ về ngày càng nhiều. Với những ca nhiễm nCoV nặng, việc có máy thở hay không có thể quyết định số phận của bệnh nhân.
Bệnh viện ở nhiều nơi trên thế giới đang phải đối mặt tình trạng thiếu máy thở nghiêm trọng. Các bác sĩ Italy chế máy thở từ mặt nạ lặn, trong khi một bệnh viện ở New York để hai bệnh nhân nguy kịch dùng chung một máy thở.
Ở Anh, các bác sĩ được chỉ dẫn nên chọn cứu bệnh nhân có khả năng hồi phục cao hơn nếu họ hết giường chăm sóc đặc biệt hoặc máy thở. Nhà sản xuất máy hút bụi Dyson được chính phủ đặt hàng sản xuất 10.000 máy thở.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bật đèn xanh cho Ford Motor, General Motors và Tesla sản xuất thiết bị này. Hai tuần trước, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết bang New York cần thêm 30.000 máy. "Đó là nhu cầu cấp thiết nhất. Bang chúng tôi đã điều người tìm mua máy thở ở Trung Quốc", ông nói.
Hiệp hội Chăm sóc Bệnh nhân Nguy kịch có trụ sở tại Mỹ ước tính Mỹ có thể ghi nhận 960.000 bệnh nhân cần máy thở, gấp gần 5 lần số máy thở Mỹ đang có.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết tính đến 3/3, các nhà sản xuất chính của đất nước đã cung cấp khoảng 2.900 máy thở xâm nhập (cung cấp oxy thông qua ống nội khí quản) và 14.000 máy thở không xâm nhập (không dùng ống nội khí quản) đến Hồ Bắc. Năm 2018, nhu cầu máy thở của cả nước chỉ là 14.700 chiếc.
Khi số ca nhiễm tại Mỹ, Italy và Tây Ban Nha đã vượt Trung Quốc, còn tình hình dịch ở Trung Quốc giảm nhiệt và cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường, chính phủ và bệnh viện các nước đang tìm kiếm những lô hàng thiết bị y tế từ "công xưởng thế giới". Các nhà sản xuất Trung Quốc đã cung cấp hơn 1.700 máy thở xâm nhập ra thị trường toàn cầu, bằng một nửa số lượng họ thường cung cấp trong một năm. Gần 20.000 đơn đặt hàng đang chờ xử lý, bao gồm đơn 2.000 máy của Tây Ban Nha.
Trung Quốc có thể cung cấp ít nhất 14.000 máy thở không xâm nhập trong tháng 4, theo nhà phân tích Nikkie Lu của Bloomberg. Bà ước tính chúng có giá trị khoảng 100-300 triệu USD.
Khi đơn đặt hàng đổ về từ hàng chục quốc gia, Aeonmed không phải là công ty Trung Quốc duy nhất chạy đua với thời gian. "Các công ty của chúng tôi đang làm việc suốt ngày đêm để giúp kiểm soát đại dịch toàn cầu", Từ Khắc Mẫn, quan chức Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, nói với các phóng viên ở Bắc Kinh hồi đầu tuần. Ông cho biết các doanh nghiệp còn điều động nhân viên làm ở bộ phận nghiên cứu và phát triển sang dây chuyền sản xuất.
Tuy nhiên, không giống như khẩu trang hoặc nhiệt kế, những mặt hàng có thể nhanh chóng tăng tốc sản xuất, việc đẩy nhanh sản xuất máy thở khó khăn hơn rất nhiều, theo Ngô Xuyên Phác, giám đốc Vedeng, nền tảng thương mại điện tử chuyên về vật tư y tế có trụ sở tại Giang Tô.
"Việc mở rộng dây chuyền sản xuất tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực", ông nói. "Còn cả vấn đề đào tạo nhân sự nữa, rất phức tạp".
Giới phân tích nói một thách thức lớn khác là sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà sản xuất máy thở Trung Quốc phụ thuộc vào các linh kiện như tuabin và cảm biến từ châu Âu và Mỹ, nhiều nơi tại đây đã bị phong tỏa và các chuyến bay quốc tế bị hạn chế.
Tại Bắc Kinh, chính quyền thành phố đã tạo điều kiện cho các nhà sản xuất địa phương bằng cách giảm thời gian cấp phép nhập khẩu linh kiện từ một tuần xuống còn một ngày.
Nhưng việc sản xuất máy thở đòi hỏi tuân thủ quy trình kỹ thuật và mất nhiều thời gian. Một nhà sản xuất chuyên dụng thường mất 40 ngày để cho ra đời một máy, theo National Business Daily. Các công ty như Tesla hy vọng có thể chuyển đổi dây chuyền sang sản xuất máy thở để hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19, nhưng việc này có thể mất tới 18 tháng.
"Tất cả nhà sản xuất máy thở ở Trung Quốc đã hoạt động hết công suất", ông Ngô nói và cho biết với số đơn đặt hàng hiện nay, các nhà máy sẽ cần hoạt động hết công suất cho đến tháng 5. Vedeng vẫn đang nhận 60-70 đơn đặt hàng mới mỗi ngày, mỗi đơn yêu cầu hàng trăm hoặc hàng nghìn máy.
"Không thực tế khi cho rằng Trung Quốc có thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu. 21 nhà sản xuất máy thở Trung Quốc có giấy phép xuất khẩu chỉ có thể đáp ứng 1/5 nhu cầu hiện nay", ông Từ nói.
Aeonmed dự đoán doanh số của họ sẽ cao gấp nhiều lần so với năm ngoái. "Dịch không phải là vấn đề của chỉ một quốc gia", Li nói. "Cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch là bài kiểm tra về tốc độ sản xuất và chất lượng của hàng Trung Quốc".
Phương Vũ (Theo SCMP/Bloomberg)