Đó là quãng năm 2011, khi đất nước này cũng nổ ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Chính phủ Myanmar khi đó phê duyệt cho người Trung Quốc xây một con đập thủy điện khổng lồ trên thượng nguồn đất nước. Người dân không đồng tình và xuống đường biểu tình. Dự án này sau đó đã bị hoãn vô thời hạn.
Trong làn sóng phản đối ấy, một vài nhà buôn Trung Quốc hành hung công nhân bản địa tại thành phố Mandalay. Thế là người dân bao vây công ty Trung Quốc. Nhưng họ không hành hung ai. Họ đứng đó, vây lấy công ty Trung Quốc và đồng thanh hát quốc ca Myanmar.
Câu chuyện ấy ý nghĩa đến mức người ta có quyền nghi ngờ nó là “tiểu thuyết”. Nhưng tôi tin người bạn mình, một học giả khả kính và tên tuổi ở Myanmar. Tôi cũng tin những người dân thật thà của đất nước sùng đạo ấy.
Câu chuyện ý nghĩa bởi vì nó nói rằng, động lực cho sự phát triển không phải là anh thù ghét ai đến đâu, mà anh trân trọng bản thân mình đến mức nào. Cái hình ảnh những người Myanmar, trong cơn giận dữ, vẫn đứng quanh công ty Trung Quốc và đồng thanh hát quốc ca là một biểu hiện tuyệt vời của lòng tự trọng.
Những người yêu thể thao hẳn vẫn chưa thể nào quên cái tên Jong Tae-se. Hình ảnh ấn tượng nhất tại World Cup 2010, chắc chắn là khi tiền đạo của đội tuyển CHDCND Triều Tiên khóc nức nở khi hát quốc ca nước mình.
Jong Tae-se sinh ra tại Nhật Bản. Nơi đó, dù nói gì cũng hơn quê hương anh nhiều mặt về mức sống. Nhưng bản thân cái việc chọn về chơi cho đội tuyển CHDCND Triều Tiên đã là biểu hiện của tinh thần dân tộc. Đến khi Jong Tae-se khóc thì người ta nhận ra một tình yêu vô điều kiện với quê hương.
Khi những giọt nước mắt lăn dài trên má Jong Tae-se là lúc mà những vấn đề chính trị, những hệ tư tưởng và những mâu thuẫn trở nên nhỏ bé, chỉ còn thấy một tình yêu thuần túy.
Jong Tae-se có phải đã khóc vì những giai điệu? Những người Myanmar có phải muốn nhắn gì các thương nhân Trung Quốc qua các ca từ? Có lẽ là không. Ca từ và giai điệu có thể không tác động trực tiếp đến tinh thần con người. Nhưng như mọi thứ mang tính biểu tượng khác, “quốc ca” và “hát quốc ca” vượt lên trên việc trình diễn một ca khúc – nó chỉ là động tác để khơi gợi ra cảm xúc thẳm sâu trong mỗi con người.
Và bây giờ là lúc tự hỏi, đã bao lâu rồi kể từ thời tốt nghiệp phổ thông chúng ta không thực hiện cử chỉ đẹp đẽ ấy?
Hôm trước trên Facebook nhiều người chia sẻ câu chuyện về một doanh nghiệp ở TP HCM tổ chức cho nhân viên hát quốc ca cứ mỗi sáng thứ hai hàng tuần. Người chia sẻ nói rằng khi xem những tin tức về biển Đông, anh quyết phải làm một điều gì đó thật ý nghĩa. Và ý tưởng tổ chức cho nhân viên hát quốc ca nảy ra. Chuyện nghe thật lạ. Lạ bởi vì có quá ít người, doanh nghiệp và tổ chức còn giữ được ý thức về cái hành động đơn giản mà ý nghĩa ấy.
Ngay cả khi Quốc hội khai mạc cũng dễ dàng nhìn thấy nhiều đại biểu nhân dân không hát, hoặc chỉ mấp máy môi khi chào cờ.
Rất nhiều người đã không hát lại Tiến quân ca thêm một lần kể từ sau những buổi chào cờ thời phổ thông.
Tình yêu đất nước và lòng tự tôn dân tộc, đó đúng là những thứ tồn tại vĩnh hằng trong mỗi người. Nhưng đôi khi, chúng ta cần nhắc nhớ nhau về điều đó.
Không biết tôi có mộng mơ không khi nghĩ về một buổi sáng thứ hai, đi xe trên mọi con phố Hà Nội, Sài Gòn và khắp miền đất nước, bỗng nghe tiếng hát đồng thanh bài Tiến quân ca vang lên từ khắp các cơ quan công sở, khắp các nóc nhà. Hàng triệu giọng hát cùng cất lên trầm hùng, và một ý thức về “Đoàn quân Việt Nam đi” khi ấy thật rõ ràng làm sao.
Sáng thứ hai ấy, ở Paris, Warsaw, Praha, Moscow,… tiếng hát đồng thanh cũng cất lên từ một góc phố nào, những người khách lạ phương Tây sẽ dừng lại lắng nghe và có thể nhận ra hai chữ “Việt Nam” mà họ biết.
Nếu có một ngày như thế, tôi tin rằng rất nhiều người cũng sẽ dừng xe lại trên đường đứng đưa tay lên ngực và cùng hát.
Nếu có một ngày như thế, tôi tin rằng sẽ chúng ta sẽ không cần nhắc nhau về tình yêu đất nước, về quyết tâm bảo vệ chủ quyền.
Nếu có những ngày như thế, tôi tin rằng bất cứ kẻ thù nào cũng phải e dè về sự đồng lòng của một dân tộc tự tôn.
Đức Hoàng