- Thành công của Ngọc Hải trong sự nghiệp thì ai cũng tỏ tường. Nhưng, hành trình đưa anh đến với bóng đá bắt đầu từ đâu?
- Bố tôi rất đam mê bóng đá và luôn ước mong hai anh em tôi (anh trai Quế Ngọc Mạnh) trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của SLNA. Chính ông thúc đẩy chúng tôi đến với môn thể thao này.
Thuở nhỏ, tôi không giỏi như anh trai. Nếu so sánh, anh Mạnh xuất sắc và nghị lực hơn tôi nhiều. Năm 17 tuổi, anh không may gặp chấn thương. Thời đó, Việt Nam chưa có công nghệ chữa trị cho chấn thương như bây giờ. Anh từng nghĩ đến việc bỏ bóng đá. Nhưng rồi nghị lực đưa anh trở lại sân cỏ. Chức vô địch V-League 2011 cùng SLNA là phần thưởng to lớn, cho ý chí và nghị lực mãnh liệt của anh. Đó cũng là tấm gương để tôi nhìn vào và học tập.
- Nhiều cầu thủ Nghệ An nói rằng họ tìm đến bóng đá để thoát nghèo. Với anh thì sao?
- Nhà tôi trước đây nghèo. Phải nói là cực kỳ nghèo, dù mang tiếng là ở thành phố Vinh. Bố mẹ phải lăn lộn nhiều nghề, nếu tôi nhớ không nhầm là không dưới năm-sáu nghề, để nuôi hai anh em và cho chúng tôi được học bóng đá. Lúc còn nhỏ, tôi không có thể hình như bây giờ. Bố mẹ phải tìm cách chạy vạy, vay mượn đủ kiểu để lo ăn, mua sữa bò ở nhà máy cho tôi. Khi anh Mạnh chấn thương, bố chạy đôn chạy đáo hỏi cách chữa trị, mua thuốc tứ phương để chữa trị cho anh. Nỗ lực của bố, nghị lực của anh giúp tôi trưởng thành. Trải qua những điều đó, tôi biết rằng khi khó khăn mình phải làm gì, cố gắng ra sao và nhìn ai để làm động lực vượt qua nó.
Bóng đá đúng là có nhiều rủi ro. Nhưng tôi không thể phụ lòng mong mỏi và nỗ lực của bố mẹ. Từ nhỏ, tôi đã phấn đấu trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và phải thật thành công để đền đáp những hy sinh mà họ đã dành cho mình. Tôi không thể bỏ dở giữa chừng. Và cho đến nay, nó đã đem lại cho tôi và gia đình mọi thứ, từ vật chất, tinh thần cho tới niềm đam mê. Tôi từng ước có thể xây cho bố mẹ một ngôi nhà. Đến nay, tôi đã và đang làm được điều đó. Thực sự, không chỉ riêng tôi, cầu thủ bóng đá ở Việt Nam khi xác định đã đi theo công việc này thì ngoài đam mê còn là giấc mơ vượt qua hoàn cảnh gia đình gian khó.
- Những năm đầu tiên của anh ở SLNA thế nào?
- Tôi bước vào đội trẻ với mấy đôi giày ba-ta giá vài chục nghìn. Nhưng số tiền ấy bằng cả mấy ngày đi làm của bố mẹ. May mắn là khi vào SLNA, tôi được CLB hỗ trợ quần áo, giày dép. Nhưng tôi không được ăn uống và ở cùng các bạn trong đội. Nhà tôi ở Vinh, gần đội bóng nên phải ở nhà cùng gia đình chứ không sinh hoạt tập trung. Bố mẹ vì thế vẫn phải lo cho tôi, anh trai từng bữa cơm.
Tôi vẫn nhớ cho đến tận giải U17 hay U19 Quốc gia, tôi vẫn đi đôi giày chưa đến 100.000 đồng. Những khó khăn mà tôi trải qua trở thành động lực để tôi nuôi ý chí vươn lên trong cuộc sống.
- Lứa 1992-1993 của Quế Ngọc Hải tại SLNA có nhiều cầu thủ sau này thành danh. Anh đã trụ lại ở giai đoạn khắc nghiệt ấy thế nào?
- Lúc tôi vào SLNA, lứa 1993 của tôi tập chung với lứa 1992 của Khắc Ngọc, Phi Sơn. Đúng là lứa đó nhiều cầu thủ giỏi. Bằng chứng là tới giờ, rất đông cầu thủ Nghệ An lứa này còn chơi ở V-League và giải hạng Nhất. Nhưng hay nhất có lẽ là Khắc Ngọc. Khi ấy, tôi đá tiền vệ công, rồi sau là tiền đạo. Nhưng vì Khắc Ngọc hay quá nên tôi không cạnh tranh nổi. Tôi chuyển sang đá trung vệ. Thầy của tôi là HLV Thành Công và sau là HLV Văn Tiến cũng khuyên tôi đá phòng ngự. Tôi suy nghĩ, quan sát và tự đề xuất mình chơi trung vệ. Có khi đấy là cái duyên, là số phận. Ngày ấy nếu tôi vẫn bảo thủ đá tiền đạo hay tiền vệ thì có khi bây giờ nghỉ bóng đá.
Một phần khác là tôi thần tượng anh Huy Hoàng. Lúc đấy, ai cũng thần tượng anh Văn Quyến. Có mỗi tôi là thích anh Hoàng. Tôi nhìn anh Huy Hoàng như tượng đài. Khí chất của anh ấy hiện diện từ trên sân đến ngoài đời. Đó là một thủ lĩnh đích thực của SLNA.
- Vậy anh học được gì từ cựu trung vệ Huy Hoàng?
- Lúc ở đội trẻ, nhiều lần tôi gặp khó khăn trong quá trình tiếp thu truyền đạt của các HLV. Nhưng anh Hoàng thì ngược lại. Tôi thấy "khác" khi được ở cùng anh Hoàng so với lúc ở đội trẻ. Ban đầu, tôi nghĩ anh Hoàng là một người lạnh lùng. Lên đội 1, được nói chuyện với anh Hoàng nhiều, nghe cách anh ấy giao tiếp với cầu thủ trẻ, tôi biết anh ấy là một người tình cảm.
Khi thi đấu cùng anh ở một vài trận đá tập, đúng là chỉ cần mấy trận thôi, tôi đã vỡ ra nhiều điều. Tôi nhận ra là một trung vệ, mình phải nhận thức và xây dựng rõ ràng "phong cách thi đấu". Tôi biết mình phải bao quát được mọi thứ, phải chỉ đạo được các vị trí trên sân. Nhất là khi đội cần tập trung với tinh thần chiến đấu cao, một trung vệ tốt phải hô hào được, phải truyền tải tinh thần, thông điệp từ HLV đến các cầu thủ xung quanh.
- Ngoài Huy Hoàng, anh còn thần tượng ai ở SLNA?
- Là chú Nguyễn Hữu Thắng. Sự hiện diện của chú tại SLNA không chỉ dừng lại ở khía cạnh chuyên môn thông thường. Chú là mẫu người chỉ "làm và làm". Tôi nhớ kỷ niệm đầu tiên khi chuẩn bị vào sân thi đấu tại V-League 2013, khi đó, trận đấu chỉ còn 20 phút nữa, trợ lý nhắc tôi về chuyên môn. Nhưng chú Thắng thì không. Chú chỉ nói nhỏ vào tai tôi: "Vào sân, cháy hết mình vì CĐV". Đúng là CĐV SLNA lúc đó đến rất đông. Tôi hiểu mình phải cống hiến cho đội bóng này, cho CĐV quê hương. Ngoài ra, những gì mà chú làm cho cầu thủ khiến tất cả mọi người phải nể phục. Cách hành xử của chú với cầu thủ, với gia đình riêng thể hiện khí chất của một người đàn ông chân chính, một trụ cột gia đình. Tôi tự dặn mình sau này phải hướng hình mẫu của chú Thắng.
- 18 tuổi, anh đã ra mắt đội 1 SLNA. Anh nhớ gì về những ngày đầu lên chơi chuyên nghiệp?
- Trước đó, tôi đã ngồi dự bị, học hỏi quan sát là chính. Lúc ấy, SLNA có nhiều cầu thủ giỏi. Anh Công Vinh cũng trở lại SLNA lúc đấy. Không dễ để những cầu thủ trẻ như chúng tôi được thi đấu. Tôi xác định sớm ở thời điểm đó, mình có thể không được vào sân. Nhưng từ băng ghế dự bị nhìn ra sân, tôi có thể nhìn nhận, đánh giá, tích luỹ kinh nghiệm. Sau này khi gặp các cầu thủ trẻ SLNA, tôi cũng nhắn nhủ với họ rằng mình chưa được vào sân là bởi mình chưa tốt, chưa có kinh nghiệm, phải nỗ lực và tập luyện nhiều hơn nữa.
Lại nói về thời điểm lên đội 1, đó là sau khi tôi thi đấu xong với U19 Việt Nam. Tôi vui, trong lòng hoan hỉ lắm. Bởi được lên đội 1 của SLNA là một niềm tự hào. Hơn nữa, tôi được làm việc với những thần tượng như anh Huy Hoàng, chú Hữu Thắng. Trong suốt một thời gian, anh Huy Hoàng luôn nhắc nhở, động viên, chỉ bảo về chuyên môn. Còn chú Hữu Thắng dạy tôi về cách sống. Đó là một khoảng thời gian quý giá, hình thành nên con người tôi của hiện tại.
- Anh hào hứng nhắc về hai tượng đài Hữu Thắng và Huy Hoàng. Nhưng Công Vinh, tiền đạo xuất sắc lịch sử bóng đá Việt Nam, có ảnh hưởng gì tới con người anh?
- Lúc tôi lên đội 1 cũng là lúc mà anh Vinh về SLNA. Đó là năm 2013. Thời điểm ấy, Công Vinh là ngôi sao số 1 của bóng đá Việt Nam. Nhưng tôi bất ngờ và khâm phục cách mà ngôi sao ấy kiên trì và nỗ lực tập trên sân cỏ. Cứ hết buổi tập, anh Vinh lại tập thêm. Tôi tự hỏi bản thân mình rằng một cầu thủ thành công như vậy, một ngôi sao có nhiều tiền như thế mà người ta vẫn còn chăm chỉ tập luyện thì mình một cầu thủ trẻ chưa là gì cả thì tại sao lại không.
- Người ta nói đặc sản "lò" Nghệ An là chơi rắn, đá xấu và đổ lỗi đó cho các thầy, HLV tại đội trẻ. Là người trong cuộc, anh nghĩ sao?
- Không bao giờ các thầy dạy chúng tôi đá xấu. Các thầy không cổ suý cầu thủ đá láo. Bóng đá có những khoảnh khắc diễn ra chớp nhoáng mà bản thân cầu thủ không làm được điều mình mong muốn. Không có cầu thủ nào trong suy nghĩ muốn đá xấu cả. Đó không phải là đại diện cho tính cách của một địa phương. Những ai chơi bóng đá đều sẽ hiểu và thông cảm cho những tình huống mà cầu thủ không kịp kiểm soát như mong đợi.
Tôi đã vấp phải một câu chuyện như thế trong cuộc đời, khi mới 21 tuổi. Tình huống đấy diễn ra quá nhanh. Tôi chỉ muốn trái bóng đi hết đường biên ngang nhưng lại làm Anh Khoa của Đà Nẵng gặp chấn thương đáng tiếc. Bóng đá chỉ trong vài tích tắc mà thay đổi khôn lường. Đó là vấp ngã lớn trong sự nghiệp của tôi. Dư luận khi ấy rất kinh khủng. Tôi chỉ muốn làm tất cả mọi thứ để khắc phục tai nạn ấy. Rồi sau này khi trải qua và vượt qua nó, tôi thấm thía một câu nói của chú Hữu Thắng, đó là "Cuộc sống của một người đàn ông có lúc phải trải qua những khoảnh khắc tồi tệ. Nhưng làm thế nào để vượt qua nó và trưởng thành hơn mới thể hiện được bản lĩnh của người đàn ông ấy".
- Va chạm với Anh Khoa có phải là tiếc nuối lớn nhất trong sự nghiệp của anh tới lúc này?
- Không sai, nhưng còn một chuyện nữa làm tôi day dứt mãi. Nhưng đó là sự lựa chọn mà tôi hay SLNA không thể làm khác được. Cuối mùa 2018, tôi hết hợp đồng với SLNA. Khi đó, bác Hồ Văn Chiêm, Giám đốc Điều hành của SLNA hỏi tôi về mong muốn của bản thân. Tôi khẳng định ước mơ của mình là được tiếp tục gắn bó với SLNA. Nhưng tôi biết điều đó là không khả thi. Trong thời điểm ấy, không phải một mình tôi hết hợp đồng. 10 cầu thủ khác cũng đáo hạn hợp đồng lúc đấy. Ngoài ra, một số cầu thủ năm trước ký hợp đồng nhưng chỉ được nhận tiền vào năm tiếp theo. Khoảng 12-13 cầu thủ trong diện ấy mà tài chính của SLNA có hạn.
Tôi hiểu nếu mình ở lại, SLNA sẽ mất một khoản phí lớn. Số tiền ấy đủ trang trải cho ít nhất 5 cầu thủ trong thời điểm đó với SLNA. Tôi nói với bác Chiêm rằng mong muốn của tôi là ở lại SLNA. Nhưng lãnh đạo đội cần cân nhắc thiệt hơn. Sau cùng, tôi rời đi để SLNA có kinh phí giữ lại 5 cầu thủ khác. Lúc tôi ký xong hợp đồng với Viettel, anh Đức Thắng có gọi điện. Tôi gửi lời xin lỗi và nói rằng nếu trong tương lai, SLNA vẫn đón nhận thì tôi sẽ trở về quê hương. Chẳng ai muốn rời khỏi đội bóng quê hương của mình cả. Ai cũng mong muốn SLNA có nền tảng kinh tế tốt và tạo ra cơ chế phù hợp cho cầu thủ. Nhưng ngoài đam mê, chúng tôi còn có gia đình, còn rất nhiều người mong chờ vào đồng lương của mình nữa. Tôi rời SLNA trong hoàn cảnh như vậy. Cũng như anh Trọng Hoàng từng chia sẻ, chúng tôi vẫn mong hai chữ "giá như" cho chúng tôi hay cho SLNA.
- Còn gì dang dở anh chưa thể hoàn thành với SLNA?
- Tôi đã đoạt Cup Quốc gia với SLNA năm 2017. Lứa cầu thủ chúng tôi lúc đó gồm nhiều cầu thủ chất lượng. Đó là danh hiệu mà tất cả cầu thủ xứ Nghệ mong muốn. Nhưng tôi vẫn còn đau đáu một điều nữa. Đó là tôi có thể vô địch V-League cùng SLNA. Tôi không biết mình có thể quay lại SLNA và làm được điều đó hay không. Suy nghĩ ấy đôi khi ăn mòn, khiến tôi ám ảnh.
Tất nhiên, có cái chưa làm được nhưng cũng có cái đã hoàn thành, là khi tôi thay anh Nguyên Mạnh làm đội trưởng SLNA. Đó là giấc mơ của mọi đứa trẻ từng ăn tập ở SLNA, là chủ đề tán dóc của những đứa trẻ trước giờ ngủ mỗi tối. Mọi cầu thủ Nghệ An đều ước mơ một lần trong đời nhận được vinh dự to lớn ấy. Khao khát của tôi còn mãnh liệt hơn nhiều vì thần tượng Huy Hoàng của tôi là thủ quân lâu năm của SLNA. Với tôi, Huy Hoàng là đội trưởng mang tính biểu tượng của SLNA.
- Giấc mơ vô địch V-League đã được bù đắp khi anh và nhiều cầu thủ trưởng thành từ SLNA vô địch V-League 2020 trong màu áo Viettel. Điều đó có ý nghĩa thế nào với cá nhân anh?
- Lúc mới về Viettel, tôi nhìn nhận lứa cầu thủ trẻ của CLB này đủ sức giúp đội vô địch V-League trong tương lai. Nhưng tôi không nghĩ điều đó lại diễn ra nhanh đến như vậy, ngay ở mùa giải thứ hai đội chơi ở V-League. Thực sự lúc đầu, đội bóng chỉ hướng tới mục tiêu top 4 hoặc top 5. Nhưng nhìn lại quãng đường cả mùa giải, đội chỉ thua đúng ba trận và giành gần như tối đa điểm số ở lượt về thì tôi tin rằng, Viettel đủ khả năng vô địch và vô địch xứng đáng. Chức vô địch năm ngoái của Viettel là tiền đề để cho các đội bóng đầu tư, bổ sung lực lượng ở mùa này. Mọi người có thể thấy cuộc đua vô địch năm nay đã hấp dẫn hơn.
Đầu mùa này, Viettel khởi đầu không như mong đợi. Chúng tôi thua Siêu Cup Quốc gia và trận đầu khai mạc V-League. Quá trình chuẩn bị của đội chưa được trơn tru. Ngoại binh mới không dễ hoà nhập với lối chơi chung.
May mắn đến với Viettel là đúng thời điểm đội gặp nhiều ca chấn thương thì cũng là lúc giải phải tạm hoãn vì dịch Covid-19 rồi sau đó là Tết Nguyên đán. Vì thế, nhiều cầu thủ quan trọng kịp trở lại. Cỗ máy của Viettel vận hành tốt hơn. Và khi Viettel quay trở lại chu trình chiến thắng, sự kết hợp của cầu thủ trẻ với các ngôi sao có kinh nghiệm, chúng tôi tự tin hướng tới những mục tiêu lớn trong năm 2021.
Tôi có may mắn ở Viettel là được làm việc cùng Bùi Tiến Dũng. Anh em thân từ năm 2015, khi chúng tôi tập trung đội U23 Việt Nam rồi sau này là ĐTQG. Cũng có ý kiến trái chiều xoay quanh việc tôi là đội trưởng đội tuyển Việt Nam nhưng khi về Viettel thì Dũng lại là thủ lĩnh. Nhưng tôi đã trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo Viettel từ ngày đầu. Tôi tôn trọng Dũng. Ở cậu ấy có tố chất của thủ lĩnh. Dũng đã gắn bó với Viettel từ lâu, đặc biệt là quá trình đội làm lại từ hạng Ba và rồi đi lên V-League. Vì vậy, Dũng xứng đáng là đội trưởng của CLB.
- Nhờ nổi danh ở SLNA nên Quế Ngọc Hải sớm xuất hiện ở các cấp ĐTQG. Nhưng hình ảnh của anh ở ĐTQG giai đoạn đầu lại gắn liền với nước mắt. Anh đối mặt với khó khăn nào trong những giải đấu quốc tế đầu đời?
- 20 tuổi, ở mùa V-League thứ hai trong cuộc đời, tôi cũng được lên tập trung ĐTQG Việt Nam. Tôi được đá AFF Cup 2014 - giải đấu lớn đầu tiên trong cuộc đời. Tôi ghi bàn đầu tiên ở ngay trận đầu tiên của giải đấu đó. Lúc đấy, cảm giác hạnh phúc không gì tả nổi. Mấy năm đó, đầu xuôi nhưng đuôi không lọt. Năm 2014, Việt Nam thua Malaysia ở bán kết lượt về, một trận đấu khiến thế hệ cầu thủ ngày ấy bị ám ảnh. Rồi sau đó một năm, tôi và U22 Việt Nam thua Myanmar ở bán kết SEA Games 28. Thật sự cay đắng. Mình đá hay hơn nhưng không hiểu tại sao thua. Đến giờ, tôi không vẫn không xem lại hai trận đấu đấy. Tôi không muốn xem lại một chút nào cả.
Nói về thất bại trước Indonesia ở bán kết AFF Cup 2016, tôi buồn bản thân mình ít mà buồn cho khán giả Việt Nam nhiều. Họ đã xếp hàng từ rạng sáng mấy hôm liền để mua được vé vào cổ vũ cho đội tuyển. Nhưng chúng tôi lại phụ lòng họ. Nước mắt tự nhiên tuôn ra vì thế thôi. Nỗi đau ấy không thể xoa dịu khi hai tượng đài là anh Vinh, anh Lương nói lời chia tay đội tuyển.
- Sau tất cả, Ngọc Hải nhận ra sự thay đổi của mình hiện tại với bản thân trước kia thế nào?
- Tôi nghĩ Quế Ngọc Hải khi độc thân vừa khác cũng vừa giống Quế Ngọc Hải khi đã có gia đình. Lúc trẻ, tôi hay mua thứ này thứ nọ cho bản thân. Nhưng khi làm bố, tôi cân nhắc và băn khoăn hơn. Tôi hay tự đặt ra bài toán nếu mình không chi tiền mua đồ này đồ kia thì con mình sẽ có thêm bao nhiêu hộp sữa, bao nhiêu bộ quần áo.
Lúc vợ tôi sinh con, tôi thức trắng đêm. Tôi thương vợ trong cơn đau đẻ, và cũng thương cả mẹ. Khoảnh khắc ấy tôi mới hiểu hết câu nói "Có sinh con mới hiểu lòng cha mẹ". Tôi thấy bản thân đã trưởng thành hơn, biết lắng nghe hơn và sống chậm hơn. Gia đình nhỏ mang lại cho tôi một thứ năng lượng vô hình tích cực. Và khi bất cứ phiền muộn nào xảy ra trong cuộc sống, tôi cũng dễ dàng để nó trôi qua.
An Ngọc