Hồi nhỏ, mỗi năm tôi về ngoại hai lần vào dịp Tết và hè. Nhà ngoại cách nhà tôi gần 40 cây số, nhưng đường đi khó và thường là đi bằng xe đạp cùi bắp nên cứ thấy xa lắm. Lớn lên, đi lấy chồng xa mấy trăm cây số nhưng hễ mỗi lần về thăm ba mẹ là tôi ráng tranh thủ đi thăm ngoại. Cái bờ cỏ nhỏ xíu ngày nào giờ đã được lót khang trang, con đường đất dần dần được trải đá đỏ và nghe đâu sắp được láng nhựa, nhà cửa mọc nhiều hơn nhưng rất may là cái mùi "quê mùa" ấy vẫn còn. Đó là mùi của lúa, của bùn, của rơm mục, của cây trâm bầu, cây dừa nước, cây bần ổi và nhiều cây khác mà tôi không biết tên dù thuở ấy thường hái lá làm tiền...
![20140202-1042086-1422278010-2385-1422499](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/01/29/20140202-1042086-1422278010-2385-1422499331.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DTSdlv8hVSKvCOIobs3Eog)
Nhưng nhớ mãi trong lòng tôi vẫn là những cái tết ở quê ngoại. Ngày ấy, mấy chị em tôi cứ mong mau hết năm, trường cho nghỉ Tết để về ngoại và cùng ngoại đi chợ Tết. Chợ Tết ngày trước chỉ bán đến xế chiều ngày 30 là nghỉ, mùng 6 mới bán lại, nên các bà, các dì phải tranh thủ đi chợ mua đồ dự trữ. Khoảng ngày 27, 28 tháng chạp là ngoại đã đi chợ. Chợ cách nhà ba, bốn cây số đường đất, qua mấy cái cầu khỉ nhỏ xíu nên phải đi bộ từ lúc bốn, năm giờ sáng. Tôi nhớ lắm tiếng các bà, các dì í ới gọi nhau cùng đi phiên chợ Tết vào lúc sáng sớm. Đi trong cái không khí lạnh, đậm quánh sương mù, những câu chuyện, những tiếng nói cười làm chặng đường ngắn lại.
Khi đến chợ thì mặt trời cũng vừa lên, ngoại mua cho mỗi đứa cháu một trái bắp, ngồi ăn ở góc chợ chờ ngoại mua đồ. Vừa ăn bắp vừa ngắm nhìn mọi người đi chợ, chúng tôi thấy ngất ngây trong cái không khí tết với bao nhiêu là hàng hóa, bánh kẹo, rau dưa, bông hoa mà nhiều nhất là hoa vạn thọ, nó thơm lừng cả một góc chợ.
![img-20150118-094058-1422278038-7936-1422](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/01/29/img-20150118-094058-1422278038-7936-1422499332.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wmxHPYcpAs4xNwc6Qy4oHA)
Ngày nay, mỗi lần về quê thăm ngoại, đi ngang cái chợ này tôi thường ghé lại mua ít đồ (chỉ là cái cớ thăm lại nơi mình đã từng đến). Các con tôi chê chợ gì mà nhỏ xíu, chúng không biết rằng cái chợ ấy là cả thế giới lớn lao trong mắt mẹ chúng lúc nhỏ. Ngoại thường mua các đủ đồ để làm nồi thịt kho tàu, nồi khổ qua hầm, một cái bắp cải to đùng, vài củ sắn (củ đậu), vài ký dưa leo, cà chua… những thứ có thể dùng lâu được để món rau trong mấy ngày Tết. Trước đó, ngoại đã muối sẵn một hủ dưa cải rồi, gà, vịt thì nuôi sẵn trong vườn nhà. Ngoại cũng không quên đong vài lít dầu lửa để dành thắp sáng vì ngày ấy ở quê chưa có điện.
Cứ thế mà dù nghèo nhưng cái Tết được ngoại chăm chút chu đáo để đón các con cháu về sum họp, quây quần đông đủ bên mâm cơm. Cháo gà ngoại nấu là món mà tụi nhỏ chúng tôi thích ăn nhất trong dịp Tết. Cháo nấu nhừ, ngọt đậm đà, nghe thấm đẫm mùi khói củi vì cháo nấu bằng nồi gang trên cái lò cà ràng. Hương của trời, vị của đất, sản vật từ bàn tay lao động hòa quyện trong nồi cháo của ngoại tôi. Sau này, tôi đi ăn hoặc ở nhà tự tay nấu món cháo gà nhưng tìm mãi vẫn không thấy được hương vị đó. Con cháu lớn lên kẻ đi làm, người đi học xa, người lập nghiệp nơi khác, căn nhà cũ ngày một quạnh quẽ, ngoại lại mong tết về để con cháu được tề tựu đông vui.
Cách đây hơn 5 năm, trong một lần té ngã, ngoại không đi lại được, thế giới của ngoại bây giờ chỉ quẩn quanh bên cái giường. Cậu mợ nói, đến giữa tháng chạp là ngoại lại bấm đốt ngón tay, tính từng ngày, mắt dõi ra bờ ngõ trông ngóng. Ngoại đã yếu nhiều nhưng vẫn còn minh mẫn lắm, ai đến thăm, ngoại cũng nhớ. Mọi người chúc ngoại thượng thượng thọ… Tôi thì bùi ngùi, dù có thượng thọ hay thượng thượng thọ thì trần gian này cũng chỉ một khúc thôi! Một năm tôi đưa con cháu về thăm ngoại hai, ba lần. Ngoại 93 tuổi rồi, biết được mấy lần đón con cháu về nữa đây?
![20140202-1100102-1422278099-3822-1422499](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/01/29/20140202-1100102-1422278099-3822-1422499332.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XHIyixmptyZdJnWonPCLeQ)
Thời gian nhẹ nhàng trôi, cây mai vàng đâm chồi, nở hoa, bung từng cánh khoe sắc, thời gian cũng nhẹ nhàng tỉa từng cánh hoa đến khi tất cả cánh hoa rơi xuống đất. Con người cũng vậy, tôi đã đọc ở đâu đó rằng "Đời sống nhân gian như quyển lịch treo tường. Mỗi người có một số trang hạn định. Từng ngày qua sự sống rơi rớt dần từ cơ thể. Thời gian âm thầm bóc ta đi từng trang một như người ta bóc vỏ một củ hành, cho đến ngày chúng ta hết trang, tiêu biến đi không còn gì nữa cả". Cuộc sống mà, có sinh có diệt, có đến có đi, khi đang đến cũng là lúc đang đi, sắc sắc, không không vô thường... Ngày xưa chỉ có lũ trẻ chúng tôi và người lớn. Nay chúng tôi lớn rồi, còn người lớn thì đã già, có người đã đi rất xa... Nhưng nay cứ mỗi dịp Tết về, quanh quẩn trên bờ đất ngày xưa có một đám trẻ khác đang hồn nhiên vui chơi như chúng tôi thuở nhỏ, đó là các con và các cháu tôi... “Tết này mình về thăm bà cố nghen mẹ!”, con gái tôi thỏ thẻ.
Phạm Thị Mỹ Hằng
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |