Sau khi bị từ chối visa xin du lịch trước đó một tháng để thăm bạn trai và là chồng của tôi hiện nay, tôi lại được đến nước Anh vào ngày 18/4/2012 nhờ lá thư bảo lãnh của ngài Richard Harrington (Local PM - nghị sĩ địa phương và cũng là member of Parliament).
Ngày đầu tiên tôi bước xuống sân bay Gatwick, bầu trời rất âm u, đúng như mọi người thường nói, nước Anh là xứ sở xương mù. Trời hôm đó rất lạnh đối với người Việt Nam như tôi lần đầu đến đây.
![anh-5.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/09/22/anh-5-6046-1442883657.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XDv3fAM4psh_5M4ZBHDISQ)
Cảm xúc lần đầu tiên đến nước Anh, khi ngồi trên xe từ sân bay về nhà, điều đầu tiên đập vào mắt tôi đó là môi trường rợp bóng cây xanh, giao thông rất trật tự và không bao giờ nghe một tiếng còi xe, ngoại trừ xe cứu thương và xe cảnh sát.
Khi về đến nhà, tôi quan sát chung quanh đa số mọi nhà nếu có sân vườn trước và sau họ đều tận dụng để trồng cây xanh. Tôi đi đến đâu cũng thấy cây xanh, hoa lá (nếu bạn đến Garden centre sẽ có hoa cho mùa hè và mùa đông). Vào mùa thu, cây cối bắt đầu đổi màu và rụng dần cho đến mùa đông. Nhưng đến giữa tháng 4 năm sau (mùa xuân) thì hoa, lá lại bắt đầu mọc trở lại, đẹp nhất là mùa xuân. Đi dến đâu bạn cũng thấy hoa, lá rợp trời, rất đẹp.
Người Anh rất thích uống trà, nhưng phải cho thêm một chút đường và sữa tươi, có lẽ đó là văn hóa uống trà của người Anh. Họ có thể uống trà bất cứ thời gian nào trong ngày.
Cuối tuần đầu tiên đến nước Anh, tôi và bạn trai (ông xã tôi hiện tại) tham gia vào một chương trình được tổ chức 2 lần vào tháng 4 và tháng 11 hàng năm như: dạy khiêu vũ, thi khiêu vũ và thi “Fancy dress” (chiếc áo yêu thích nhất). Trước khi đến nước Anh, tôi đã may 3 bộ áo dài để có thể mặc ở đây, nhằm giới thiệu về áo dài truyền thống của Việt Nam để mọi người có thể biết đến. Tận dụng cuộc thi này, tôi đã mặc chiếc áo dài Việt Nam (màu trắng có hình hoa sen, tượng trưng cho quốc hoa của Việt Nam) và đội chiếc nón lá.
Vào cuộc thi, khi mọi người lần luợt đi ra để giới thiệu về trang phục tự chọn… và khi tôi bước ra thì rất nhiều tràng pháo tay vang lên, thực sự tôi cũng rất hồi hộp vì lần đầu tiên tham gia một cuộc thi như trên. Sau một phút định thần, tôi giới thiệu với mọi người “Xin chào các bạn! Tôi đến từ Việt Nam và đây là chiếc áo dài truyền thống”, họ lại tiếp tục vỗ tay. Kết quả là tôi được chọn người có chiếc áo được yêu thích nhất và là người chiến thắng với chiếc huy chương vàng cho cuộc thi “Fancy dress Warmwell 2012”. Đây là cuộc thi lồng ghép để chào mừng Olympic London 2012.
Nước Anh có nhiều sắc tộc sinh sống ở đây, nên khi ra đường tôi nghe rất nhiều giọng nói khác nhau hoặc nhiều ngôn khác nhau từ nhiều người nhập cư khác. Người Anh sống rất chan hòa và lịch sự. Khi tôi đến nơi công cộng luôn nghe những từ đơn giản hàng ngày như như "xin lỗi" (nếu như vô tình họ đi chạm vào tay bạn) hoặc "cám ơn" sau khi bạn giúp họ hay họ trả tiền trong quán ăn… Người Anh họ rất chịu khó xếp hàng (văn hóa xếp hàng), khi đến bất cứ nơi đâu họ cũng xếp hàng chờ đợi như đến ngân hàng, mua hàng, tính tiền, đi vệ sinh…
Người Anh rất yêu quý động vật, nhất là chó, họ dẫn chó đi dạo trong công viên và luôn mang theo vài cái túi nilon, nếu như chó có nhu cầu "đi tiện" thì họ hốt phân bỏ vào trong túi.
Tôi đã gặp rất nhiều người bạn của ông xã, họ rất vui và thân thiện. Biết tôi lần đầu tiên đến nước Anh, họ mời đến nhà ăn tối cùng họ và luôn nghe câu "Welcome to England" (Chào mừng đến nước Anh ). Tham quan nước Anh khoảng 2 tháng thì tôi quay về lại Việt Nam.
![Anh-1_1442795164.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/09/22/Anh-1-4775-1442883658.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=m4-ZsGJ2EZdr2PEa1wlG2Q)
Ngày đầu tiên của năm 2014, bạn trai tôi (ông xa hiện tại) cầu hôn tôi trên skype. Sau đó chúng tôi lên chương trình để tổ chức đám cưới. Lần thứ hai đến nước Anh để tổ chức đám cưới, tôi cũng được chính ngài Richard Harrington (Local MP) viết thư bảo lãnh cho tôi. Chúng tôi tổ chức đám cưới vào ngày 2/8/2014 tại nhà thờ Saint James Gerrards Cross. Gia đình tôi không ai đến dự được, nhưng ông xã có rất nhiều người bạn tốt, họ đã giúp tôi làm phụ dâu, làm tóc trong ngày cưới. Ngoài ra, họ chăm sóc cho tôi những lúc cần thay trang phục, họ khiến tôi thật sự rất xúc động.
Sau khi đám cưới ở Anh, chúng tôi quay về Việt Nam tồ chức đám cưới lần 2 cho gia đình và bạn bè ở Việt Nam vào tháng 10/2014. Sau đám cưới, tôi phải ở lại Việt Nam để chờ cấp visa vợ chồng. Sau 42 ngày chờ cấp visa, tôi quay trở lại nước Anh và sống ở đây đến nay. Sau 6 tháng định cư tại nước Anh, tôi được cấp giấy phép học lái xe. Hện tôi đã học bài học thứ 2 và đã đến trường cao đẳng West Herts để học thêm tiếng Anh từ ngày 17/9. Bắt đầu cho cuộc sống mới ở nước Anh thì không thể thiếu hai thứ này.
Bây giờ tôi cũng có thể tự đi xe bus hoặc tàu điện, những thứ tưởng chừng rất đơn giản, nhưng nếu bạn không học, chắc chắn không thể nào tự làm được. Tôi cũng có thể nấu những món ăn Tây, học từ những người bạn của ông xã hoặc từ ông xã; hoặc nấu những món ăn Việt Nam và mời những người bạn đến nhà ăn tối.
Cám ơn nước Anh đã cho tôi gặp được gặp nhiều người bạn tốt và chân thành, cho tôi được trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn mới với nhiều thứ mà trước kia khi ở Việt Nam tôi chưa từng được thử thách qua. Cám ơn ngài Richard Harrington và những người trợ lý của ông đã viết thư bão lãnh cho tôi, để tôi có thể đến nước Anh và bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi yêu nước Anh!
Nguyễn Thị Ngọc Mai