17 tuổi - bỏ lại những gì thân quen nhất, tôi bước lên máy bay, háo hức, để cho ánh nhìn lo lắng của cả nhà dõi theo rồi rơi lại phía sau tôi cũng chẳng hay… Để rồi sau này nghe mọi người kể lại: suốt một tháng trời mẹ chẳng dám đi lên tầng ba sợ thấy phòng tôi; rồi thì mỗi khi các cô, các chú ở cơ quan hỏi mẹ về tôi, hỏi tôi sang Anh cuộc sống như thế nào, mẹ lại rơm rớm nước mắt. Con gái nhỏ của mẹ chưa từng tự đi xa nhà quá 5km, vậy mà lần này mẹ lại “liều lĩnh” để con bay sang phía bên kia trái đất một mình.
Việt Nam - Anh, hơn 13.000 km… Tôi đã đi thật xa, chỉ để thấy muốn về nhà. Nhưng khi đó, tôi vẫn chưa biết mình đã yêu nước Anh nhiều đến thế!
Newcastle tháng 1/2009 - Mùa đông đầu tiên tuyết trắng
Bác tài xế taxi hỏi tôi bằng chất giọng địa phương hơi khó nghe: "Cô gái nhỏ, điều gì đã mang cháu đến thành phố này?"
Tôi bất giác trả lời: Thời tiết nơi này ạ.
Bác tài xế phá lên cười: "Ôi, cháu thật rất biết nói đùa"!
Mãi về sau tôi mới biết tại sao bác tài xế lại nghĩ tôi pha trò: Vương Quốc Anh - vốn được mệnh danh là xứ sở sương mù, còn Newcastle, điểm “cực Bắc” của nước Anh vốn nổi tiếng bởi tiết trời rét mướt quanh năm không có mấy ngày nắng ấm. Nhưng, tôi đã thích bầu trời màu xanh pha chút sắc xám những ngày đông ấy ngay từ ngày đầu tiên đặt chân xuống sân bay, thích thực sự.
Không còn cái nắng gắt đến cháy da, hoa mắt, thời tiết Newcastle gần như quanh năm lúc nào cũng mang một vẻ man mác, rất nhẹ nhàng. Tôi tuyệt nhiên trung thành, mặc cho thời tiết Newcastle ẩm ương lúc mưa lúc tạnh, mặc cho những cơn gió đôi lần thổi lật ngược cả chiếc dù nhỏ xíu tôi mua vội ở cửa hàng một giá Poundland, mặc cho đám bạn người Anh suốt ngày xuýt xoa ghen tị với tiết trời 17-18 độ vào những ngày đông Hà Nội khi bố mẹ tôi gọi điện sang kể: "Ở nhà mấy hôm nay lạnh lắm rồi!"
Giữa tháng 1, tuyết rơi trắng trời. Đêm đầu tiên tuyết rơi, tất cả đám học sinh trong khu nhà quốc tế nhao nhao chạy xuống sân ký túc xá. Dù sau này khi đã quá quen với tuyết, có không ít khi trên đường đi học, tôi đã nghĩ “Tuyết vừa lạnh, vừa bẩn”. Nhưng đó là chuyện của những năm về sau, còn đêm hôm ấy, cái cảm giác những bông tuyết trắng nhẹ tênh, mát mát đậu xuống tay mình, với tôi, là một sự kỳ diệu! Cái khung cảnh cả một bầu trời đêm bỗng dưng chuyển thành trắng xóa ấy quả thật còn đẹp hơn cả những gì trước kia tôi từng xem qua phim ảnh rất nhiều.
"Xuân này con không về" - Tết ta nơi trời Tây
Lại nhớ những cái Tết xa nhà, cả hội gần chục đứa rủ nhau đặt mua bánh chưng từ tận London. Xong mua khúc giò lụa đông đá từ siêu thị đồ Thái, lại ghé qua cửa hàng Tàu mua mứt Tết, măng khô; vào Tesco chỉ mua được mỗi mấy chai nước ngọt, còn sườn phải ra khu chợ Grainger. Ngày 30, đứa nào không đi học thì ở nhà chuẩn bị, ai đi học thì cũng hết tiết về ngay, hồ hởi lượn ra lượn vào phòng bếp ngóng ngóng trông trông. Này là canh măng khô, này là xôi đỗ, này là ntôi rán, rồi cả nộm gà.
Nhớ năm đầu tiên không ăn Tết ở nhà, sáng mùng 1 bạn tôi bật “Happy New Year” của ABBA - cái giai điệu hàng chục năm không đổi ở Việt Nam mỗi đêm Giao thừa. Bỗng dưng lặng người, rồi nằm quay mặt vào tường để giấu đi những giọt nước mắt chảy dài: chưa bao giờ tôi thấy cô đơn và nhớ gia đình đến vậy.
Những năm sau này, ai cũng đã quen với việc đón Tết xa quê, quen với việc 5 giờ chiều ở Anh ngày 30 là cả hội dừng tay mỗi đứa chui vào một góc nhà, ngồi “dự” bữa cơm tất niên cùng gia đình ở Việt Nam qua màn hình laptop. Những năm sau này, cứ cách Tết cỡ một tháng là lại rủ nhau tìm vé máy bay, nhưng rồi năm nào cũng hát: “Con biết bây giờ mẹ chờ tôi trông, nhưng nếu con về một nghìn đi tong..” (*vé một nghìn Bảng Anh). Tết ta nơi trời tây, nếu sáng mùng 1 không phải nộp assignment hay đi thi hết môn thì đã là một sự may mắn, chứ mấy ai có điều kiện để về.
Những khó khăn đầu đời
Tôi biết mình may mắn lắm, mới sang đã gặp được những người bạn rất nhiệt tình. Nhưng bạn bè thì cũng có lúc giận nhau; sự ương ngạnh của tuổi 17-18 khiến đứa nào cũng ôm cái tôi to đùng cùng những hiểu lầm, và im lặng. Học hành cũng có khi chẳng như ý, có những môn dù cố gắng đến mấy vẫn cảm giác mình chẳng hiểu gì. Rồi thì ốm; nằm một mình trong phòng sốt li bì, khi giật mình tỉnh dậy miệng đắng nghét, toàn thân rã rời, thấy cô đơn và yếu đuối kinh khủng mà chẳng biết gọi cho ai - cảm giác đó là tệ nhất!
Bỗng dưng mọi chuyện không vui như rủ nhau đến cùng một lúc, nhấn chìm tôi vào sự cô độc, thất vọng, bi quan. Mẹ gọi sang, tôi khóc, lần đầu khóc nức nở từ ngày sang Anh. Mẹ bảo: “Nếu không bước tiếp được thì thôi, con về đây với mẹ”. Câu nói ấy chợt khiến tất cả diễn ra trong đầu tôi như những thước phim quay chậm: sự cố gắng của bố mẹ để tôi có thể sang đây học, vẻ tự hào không giấu diếm của bố khi mọi người hỏi chuyện tôi được học bổng sang Anh, cả sự kỳ vọng của gia đình vào đứa con gái út, và biết bao nỗ lực của chính bản thân mình.
Về ư?
Tôi không làm được.
Bỏ đi sự tự ái để chủ động hàn gắn với bạn bè. Bỏ đi sự tự ti để chủ động hỏi các thầy cô bộ môn về những vấn đề chưa hiểu, và đọc nhiều sách hơn với hy vọng “cần cù bù thiếu sót về ngôn ngữ”. Đều đặn nhắn tin về cho gia đình để kể cho bố mẹ nghe những câu chuyện nơi nước Anh xa xôi. Dành một chút thời gian mỗi ngày để quan tâm hơn đến sức khỏe. Tất cả cố gắng đó của tôi rồi cũng được đền đáp, mọi chuyện rồi cũng ổn: bạn bè hiểu nhau hơn, và thật sự còn thân hơn trước; Tôi hoàn thành khóa học Dự bị đại học và vào được Đại học Newcastle, học ngành mà tôi thích; rồi tôi còn đi làm thêm và tham gia các câu lạc bộ trong trường; có thêm những người bạn mới, có thêm cô bạn thân người Anh mấy hôm nay liên tục nhắn tin giận dỗi: “Cuối năm nay tôi đính hôn, không giải thích, bồ nhất định phải có mặt!”
Nước Anh của tôi
Tôi đến nước Anh khi còn là một cô gái nhỏ. Tôi đã ở Anh trong suốt những tháng năm dần trưởng thành và định hình tính cách của mình. Dù sau này đã đi đến và trải nghiệm cuộc sống tại những đất nước khác, khắp châu Á, châu Âu, không một nơi nào cho tôi lại những cảm giác như với nước Anh. Tôi thích sự nhiệt tình nhưng vẫn luôn lịch thiệp của con người nơi đó, thích lối kiến trúc cổ kính khiến mỗi toàn nhà đều gợi nhớ tới bóng dáng lâu đài xưa, thích cả những cánh đồng hoa hay thảm cỏ xanh trải rộng khắp những khu công viên rải rác trong các thành phố, thích sự náo nhiệt, sôi động mỗi khi người dân ra sân vận động để cổ vũ cho đội bóng của thị trấn hay thành phố mình...
Gần 5 năm ở Anh, với tôi giờ nước Anh không chỉ là nỗi nhớ, mà còn như một quê hương thứ hai, như một phần trong tôi, như một tình yêu đậm sâu mà có lẽ chỉ những ai từng ở Anh lâu mới có thể lý giải được.
Lê Thu Vân