![]() |
Nhà văn Quế Hương. |
Truyện ngắn Một cuộc đua không cho "người quen cũ" hình dung được về chị. Người phụ nữ mảnh mai của những câu chuyện mảnh mai, hơi buồn tủi và hay mơ mộng; người phụ nữ của những câu chuyện về thân phận bọt bèo, tuổi thơ bị ruồng bỏ, tình yêu như con nước dịu dàng chảy xiết… Không giống chị, không giống với Đôi chân biết khóc, Màu biển lặng, Hoa ngũ sắc và cỏ, Bức tranh thiếu nữ áo lục; cũng chẳng giống với Bà mụ của búp bê, Đám cưới cỏ, Vua lũ đồ chơi hay Khúc chiều tà, Câu hát tìm nhau… "Vâng, tôi quyết gạt tôi qua một bên", Quế Hương bảo vậy, ngắn gọn, mạnh mẽ y như hai nhân vật mới mẻ của Một cuộc đua. Người đàn bà buồn, hình như đã không buồn nữa.
Năm 1989, vì sức khỏe không tốt, cô giáo Quế Hương rời nghề dạy học. "Rời bỏ một nghề duy nhất mình biết, đeo đuổi tới 18 năm thì còn biết làm gì? Thế giới bỗng hẹp lại trong bốn bức tường, việc nhà, đau ốm, khó khăn… Có lần tôi buồn bã ngắm chân mẹ, chân mình, thế là Đôi chân biết khóc ra đời".
Năm 1990, những đôi chân nhọc nhằn đã mở ra cho Quế Hương hy vọng. Chị biết mình muốn gì và có thể làm gì. Chị viết văn, làm thơ, viết kịch bản phim truyện. “Viết đối với tôi là sống, chân thành, da diết, vật vã. Mà cũng như tất cả mọi người, tôi cần đồng tiền chính đáng để sống. Đồng tiền viết văn khổ nhọc, lương thiện và vinh dự".
Bao nhiêu năm rồi, chỉ lặng lẽ như thế chị đi, không dữ dội ồn ào, không gây sốc, cũng chẳng làm ai giật mình. Và cũng lặng lẽ như thế, một giọng nói lãng mạn và giàu cảm xúc… nhè nhẹ gõ vào lòng người đọc. Một chút u buồn, một chút niềm vui, một chút đa cảm và rất nhiều liên tưởng về một quê nhà, một dòng sông, một tuổi thơ lầm lụi, một tình yêu không thể lãng quên… là những gì người đọc nhận được từ những trang viết của chị. Năm tập sách đã phát hành (Quán búp bê, Thư gửi thời gian, Bí đỏ, Đám cưới cỏ, 27 truyện ngắn) và 14 giải thưởng, tặng thưởng là những gì chị nhận được từ chính mình. Đó cũng là sự đáp trả tương xứng của người đọc cho người đã miệt mài với văn chương.
Quế Hương tâm sự: "Công việc bận nhất của tôi là việc nhà trong một gia đình toàn đàn ông. Ngó thế mà mênh mông bất tận, làm suốt ngày không hết. Làm người đàn bà đã khổ, làm người đàn bà viết văn, khổ nhọc nhân đôi. Đọc và viết giúp tôi bước ra khỏi "khung cửa hẹp" của đời mình, thấy thế tục thẳm sâu hơn, cõi người lung linh bí ẩn hơn. Có người nói tôi là người của những cuộc đua văn chương. Một người không nghề nghiệp, không sức khỏe, không đua thì sao mà tồn tại. Dự thi là cách để tác phẩm mình được vinh dự nhận nhuận bút cao. Tôi thích thi vì vừa được hưởng niềm vui sáng tạo vừa có thể hưởng thành quả sáng tạo trong cuộc đua tim óc”.
Cuộc đua ấy, Quế Hương cũng đã gửi gắm vào hai nhân vật trong truyện ngắn vừa nhận được giải nhất cuộc thi viết do NXB Giáo Dục và Hội Nhà văn VN tổ chức. "Cuộc đời là một cuộc đua dài. Từng chặng. Quỵ xuống thì đứng lên. Chỉ có chết mới ngừng đua. Còn sống là còn đua để chứng minh tôi hiện hữu, tôi tồn tại. Một ánh nhìn thông cảm. Một bàn tay giơ ra. Một lời thách thức đúng lúc có thể nâng dậy một số phận, thổi vào đấy một luồng sinh khí mới để bắt đầu một chặng đua mới", chị đã tin và đem được niềm tin ấy vào câu chuyện của mình. Nhưng một câu chuyện như thế hình như không tự chị nghĩ ra? Hình như đâu đó trên những trang báo một tình cảnh oái oăm như thế là không quá lạ lùng?
"Những trang báo là những trang đời. Tôi nhặt ở đó niềm vui lẫn nỗi buồn tuổi trẻ. Hoặc nghèo cực đậm đặc nhưng giàu ý chí vượt khó, kiếm sống bằng đủ mọi cách để được đến trường: nhặt rác, bơm xe, phụ nề, tiếp thị bia, giúp việc nhà, dạy kèm… Hoặc thừa thãi vật chất mà đói khát tinh thần, nổi loạn, phá phách, nông nổi, lỡ lầm… Một lần tôi nghĩ tại sao lại không đặt hai chân dung ấy bên nhau trong một câu chuyện. Và thế là tứ truyện hình thành. Truyện chở chất trẻ của một thời nhiều biến động: nghịch lý thiếu - thừa tồn tại, chân - giả, xấu - tốt ngổn ngang, gió lành chen gió độc…".
(Theo Tuổi Trẻ)