Tuần trước, Meta - công ty mẹ của Facebook - mở quyền truy cập vào nền tảng thực tế ảo Horizon Worlds cho người trưởng thành ở Mỹ và Canada. Những mô tả ban đầu về nền tảng này khá thú vị và có vẻ lành mạnh. Trong vũ trụ ảo của Meta, người chơi xuất hiện dưới dạng ảnh đại diện 3D, cùng nhau trò chuyện, sáng tạo và khám phá thế giới. Nhưng sau đó, Meta đã nhận được một báo cáo từ người dùng cho biết cô bị sàm sỡ.
"Quấy rối tình dục vốn không phải trò đùa trên Internet, nhưng trong trong thế giới VR, mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn. Đáng nói là trong lúc tôi gặp rắc rối, những người ở gần đó lại tỏ ra ủng hộ", cô gái ẩn danh đăng trên nhóm trải nghiệm Horizon Worlds. Cô nói khi tham gia vũ trụ ảo, đã có những người lạ cố tình "chạm" vào ảnh đại diện của mình, khiến cô cảm thấy không thoải mái dù đó là trong môi trường thực tế ảo.
Đáp lại, Meta cho biết bản thử nghiệm có một công cụ tên Safe Zone (vùng an toàn) nhưng người này đã quên dùng. Safe Zone là một "bong bóng bảo vệ" mà người dùng có thể kích hoạt khi cảm thấy bị đe dọa. Khi đó, không ai có thể chạm vào, nói chuyện hoặc tương tác với họ theo bất kỳ cách nào cho đến khi người dùng chủ động tắt "bong bóng bảo vệ".
Vivek Sharma, Phó chủ tịch Horizon Worlds, nói công ty lấy làm tiếc về sự cố trên. "Tuy nhiên, phản hồi đó tốt cho công ty và chúng tôi sẽ làm cho tính năng Safe Zone trở nên dễ dùng hơn", Sharma nói với The Verge.
Theo Technology Review, đây không phải lần đầu người dùng bị quấy rối trong không gian VR và sẽ chưa phải lần cuối. Những sự cố trên cho thấy, metaverse không bao giờ là nơi an toàn cho đến khi các công ty tìm ra cách bảo vệ người dùng.
Việc người dùng bị quấy rối trong vũ trụ ảo trở thành chủ đề gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Một số đặt câu hỏi rằng cô gái trong câu chuyện trên có thật sự bị sàm sỡ khi ai đó chỉ "dùng một nhân vật hoạt hình để tiếp xúc gần một nhân vật hoạt hình khác". Không ít người cũng băn khoăn liệu những gì cô gái trải qua có thật sự nghiêm trọng vì thực tế không ai làm tổn hại gì đến cơ thể của cô.
"Mọi người nên nhớ quấy rối tình dục không chỉ giới hạn trong những hành vi vật lý. Nó có thể là lời nói hoặc một trải nghiệm ảo", Phó giáo sư Jesse Fox tại Đại học bang Ohio, người có nhiều năm nghiên cứu tác động xã hội của thực tế ảo, nói.
Katherine Cross, nhà nghiên cứu về hành vi quấy rối trực tuyến tại Đại học Washington, cũng nói khi công nghệ thực tế ảo dần trở nên "thật hơn", hành vi độc hại xảy ra trong môi trường đó cũng là thực. "Bản chất không gian thực tế ảo được thiết kế để đánh lừa người dùng rằng họ đang ở trong một không gian nhất định, rằng mọi hành động cơ thể của họ đều diễn ra trong môi trường 3D", Cross cho hay.
Quan trọng hơn là trách nhiệm nhà phát triển ứng dụng khi cung cấp cho người dùng công cụ để đảm bảo họ được an toàn khi truy cập các nền tảng. "Chúng tôi muốn mọi người trong Horizon Worlds có trải nghiệm tích cực với các công cụ an toàn, dễ tìm. Có thể đó là lỗi người dùng nếu họ không sử dụng tất cả tính năng mà chúng tôi cung cấp", Kristina Milian, phát ngôn viên của Meta, nói.
Tuy nhiên, nhiều người tham gia Horizon Words không nghĩ rằng vấn đề nằm ở việc có dùng Safe Zone hay không. Nhà phát triển ứng dụng phải tìm cách thiết lập những bộ quy tắc, những "cảnh sát" trong không gian ảo để ngăn chặn trước khi các hành vi quấy rối, phá hoại diễn ra.
Theo giáo sư Jesse Fox, cộng đồng cần những biện pháp răn đe, đảm bảo các tài khoản có hành vi xấu bị phát hiện sớm để cấm ngay lập tức. Những gì đang diễn ra ở Meta cũng phơi bày một thực tế nguy hiểm về vũ trụ ảo. Các quy định pháp lý và biện pháp bảo vệ người dùng đang không được ưu tiên phát triển. Không một đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm cuối cùng cho sự an toàn của người dùng trong metaverse. Cho đến khi cả cộng đồng có những thay đổi tích cực và nghiêm túc hơn về việc bảo vệ an toàn sức khoẻ tinh thần, thể chất cho người dùng, metaverse vẫn là một không gian đầy rẫy nguy hiểm.
Mỹ Quyên (theo Technology Review)