Chiều 28/8, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam từ năm 2007 đến nay. Theo đó, lao động giúp việc gia đình chủ yếu là nữ giới (gần 99%) do tính chất công việc đặc trưng như nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình.
Trình độ học vấn của những người giúp việc thấp, đa số là từ THCS trở xuống, thậm chí, khoảng 30% người có trình độ dưới tiểu học và nhiều người không biết chữ. Năm 2008, Việt Nam có 157.000 người làm việc liên quan đến giúp việc gia đình. Theo Trung tâm Dự báo và Thông tin thị trường lao động quốc gia, con số này sẽ tăng lên 246.000 vào năm 2015. Tuy nhiên, đa số những người này chưa qua đào tạo nghề.
Người giúp việc gia đình hiện nay vẫn còn gặp nhiều trở ngại như không được coi trọng, thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật... Thỏa thuận về công việc, mức lương, thời gian làm việc của họ với gia chủ thường là bằng miệng, thời gian làm việc trên 8h, cả vào ban ngày và ban đêm.
"Theo điều tra, chỉ có 3% người giúp việc gia đình có bảo hiểm xã hội, 19,5% người có bảo hiểm y tế trong đó phần lớn là do họ tự mua hoặc do nhà nước chi trả (hộ nghèo hoặc gia đình chính sách)", báo cáo chỉ rõ.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GFCD cho biết, với đặc trưng là nữ giới, xuất thân từ nông thôn, môi trường lao động lại diễn ra trong phạm vi nhỏ nên người giúp việc gia đình có nguy cơ gặp phải những rủi ro như bị bạo lực, ngược đãi, quấy rối tình dục. Tình trạng này đang ở mức báo động.
"Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có sự quản lý lao động giúp việc gia đình, truyền thông phổ biến kiến thức pháp luật cho cộng đồng và đảm bảo an toàn nghề nghiệp cho họ", bà Ngọc Anh nói.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ, khi nhu cầu xã hội ngày càng lớn, việc phát triển giúp việc gia đình thành việc làm bền vững cho người lao động là xu hướng tất yếu. GFCD khuyến nghị, cần có nghị định của Chính phủ, hướng dẫn chi tiết những vấn đề liên quan đến giúp việc gia đình trong Bộ Luật lao động năm 2012, xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển, tăng cường quản lý cũng như tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia vào các tổ chức đại diện.
Theo kết quả nghiên cứu, hơn 20% người giúp việc gia đình bị mắng chửi, 2,4% bị đánh đập, tát, đẩy ngã, gần 1% bị đe dọa, đập phá đồ dùng cá nhân, 7,8% bị giữ giấy tờ tùy thân, 4% bị cấm tiếp xúc, 1,8% bị giữ lương, 2% không được về thăm nhà và 16% bị lạm dụng tình dục. |
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận xét, nghiên cứu đã đưa ra các bằng chứng khoa học về việc phải có khung luật pháp, chính sách toàn diện để bảo vệ lao động giúp việc gia đình. Theo ông Lợi, giúp việc gia đình không chỉ thuần túy là việc làm mà còn là vấn đề xã hội rất đáng quan tâm.
"Cần xem giúp việc gia đình là một nghề, đưa người giúp việc gia đình đi đào tạo và cấp chứng chỉ nghề. Bên cạnh đó, cũng cần đối xử với họ bình đẳng như người lao động khác, tiến tới đánh giá vai trò, đóng góp của nghề này cho GDP quốc gia", ông Lợi nói.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân khẳng định kết quả này sẽ là căn cứ để Bộ tiếp tục hoàn thiện việc đưa công ước quốc tế về lao động giúp việc gia đình thành luật của quốc gia.
Ông Huân cho rằng những kiến nghị của GFCD đều hợp lý và việc coi lao động giúp việc gia đình là một nghề sẽ thành hiện thực không xa. Thứ trưởng cho rằng, cần tăng cường tiếp xúc với những người giúp việc gia đình để thấy được thực trạng, lắng nghe mong muốn của họ.
"Công tác thanh tra, kiểm tra tại các gia đình có người giúp việc để đảm bảo quyền lợi cho họ sẽ được tăng cường, hoàn thiện. Bộ cam kết sẽ cùng với Trung tâm GFCD hoàn thiện pháp lý, nâng cao nhận thức để bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của người lao động giúp việc gia đình", ông Huân cho hay.
Từ năm 2011, với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Oxfam Novib và Rosa Luxemburg Stiftung, Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng đã xây dựng và triển khai dự án "Bảo vệ quyền của lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam" với mục tiêu "Bảo vệ quyền của lao động giúp việc gia đình thông qua tham vấn xây dựng chính sách và tạo điều kiện hỗ trợ cho việc thực hiện chính sách".
"Báo cáo tổng quan về tình hình lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam từ năm 2007 đến nay" là bức tranh tổng thể về thực trạng, những bất cập, xu hướng phát triển của lao động giúp việc ở Việt Nam.
Hoàng Thùy