Câu chuyện giờ nhìn lại chỉ như một trò nghịch dại trẻ con, nhưng đã để lại cho tôi nỗi sợ vô hình và những ảnh hưởng không hề nhỏ. Lớn lên, tôi không quan tâm tới yêu đương như các bạn cùng trang lứa. 26 tuổi, tôi lần đầu có bạn trai. Khi anh đề cập tới chuyện nam nữ, tôi đã rất sợ. Tôi không cảm thấy thoải mái và né tránh quan hệ thể xác, dù nhu cầu được yêu thương rất lớn.
Ngay cả khi đã kết hôn vài năm, tôi vẫn không thoải mái và hạnh phúc trong quan hệ vợ chồng. Mãi sau này, phải mất rất nhiều năm, tôi mới cảm nhận được tình yêu, biết cách để yêu thương và chấp nhận người khác. Nỗi sợ này và những năm tháng trầm cảm đã dẫn tôi vào hành trình trở thành người trị liệu chữa lành, huấn luyện tâm lý và tinh thần cho nhiều người hơn 10 năm qua, trong đó có những người từng bị xâm hại tình dục khi còn trẻ. Tham vấn trị liệu cho họ, tôi thấy tất cả chúng tôi đều có điểm chung. Đó là tổn thương sâu bên trong nhiều năm tháng sau khi chuyện đó xảy ra. Chúng tôi, những người từng bị xâm hại, đều cảm thấy mình không được yêu thương và mặc cảm về bản thân. Với những người bị thương tổn nặng nề, đa phần họ sau này tiếp tục bị lạm dụng thể xác cũng như tinh thần, trong mối quan hệ với những người khác giới.
Tất cả nạn nhân đều rất khó vượt qua sang chấn tâm lý đó trong suốt cuộc đời. Họ thường chôn chặt chuyện này bên trong. Có cô bé tôi từng tư vấn bị xâm hại tình dục bởi người thân quen với gia đình từ cấp II. Sự việc diễn ra vài lần nhưng không ai trong gia đình biết chuyện. Tổn thương lớn tới mức cô bé ấy khi đã thành thiếu nữ vẫn không thể gần gũi ai. Nỗi sợ tới từ cả cơ thể lẫn tâm trí. Toàn bộ thân tâm tự động dựng lên một cơ chế phòng vệ mạnh, co mình lại, từ chối mọi cơ hội tình cảm đến với mình, từ chối yêu thương từ bất kỳ ai.
Quá dễ dàng để thanh thiếu niên hiện nay tìm thấy những video khiêu dâm trên mạng, phô bày cơ thể dưới nhiều hình thức. Đây là một phần nguyên nhân tỷ lệ xâm hại tình dục học đường gia tăng. Theo Bộ Công An, năm 2020, có 1.945 vụ xâm hại 2008 trẻ em, trong đó 1.506 bị xâm hại về tình dục, tăng gần 400 vụ so với hai năm trước đó. Ở đây, xâm hại tình dục không chỉ là hành vi dụ dỗ, lôi kéo và ép buộc quan hệ tình dục, mà còn có thể là việc nhìn vào chỗ kín (thị dâm), nói về hoạt động tình dục và bộ phận sinh dục (khẩu dâm), động chạm các bộ phận trên cơ thể khi không được cho phép (quấy rối tình dục).
Những người quấy rối nhiều khi cũng không ý thức được việc làm của họ là sai trái. Họ chỉ nghĩ rằng đó là sự tò mò xác thịt và nhu cầu bản năng. Họ không biết rằng đầu óc họ bị tập nhiễm từ những hình ảnh dung tục nhan nhản trên mạng Internet hiện nay.
Tôi từng để số hotline tư vấn miễn phí cuộc gọi từ những người gặp các vấn đề tâm lý khác nhau. Cuộc gọi đến nhiều tới mức tôi không đủ sức nghe. Nhu cầu được chia sẻ của những người bị tổn thương rất lớn. Tổng đài miễn phí chính thức của nhà nước để lắng nghe tâm sự của những người bị xâm hại có thể là một khuyến nghị.
Các chuyên gia tâm lý làm công việc trị liệu giúp chữa lành. Họ nói chuyện chân thành, tạo kết nối và tin cậy, giúp người bị xâm hại cảm thấy an toàn để giãi bày những tổn thương sâu thẳm từ vô thức. Khi sợ hãi tan biến cũng là lúc họ dũng cảm đối diện với chuyện cũ một cách bình an. Bằng các quy trình khác nhau phù hợp cho từng người, chuyên gia trị liệu tâm lý sẽ dẫn dắt họ chữa lành tổn thương bên trong cơ thể và tinh thần.
Từ trải nghiệm cá nhân và hiểu biết chuyên môn, tôi nhận thấy rõ, những người bị xâm hại không nên mang nỗi đau đó một mình mãi mãi. Những đè nén bị dìm xuống tầng sâu vô thức sẽ để lại di chấn lớn hơn sau này. Trẻ em và thanh thiếu niên khi bị xâm hại nên nói với cha mẹ để ít nhất được giải phóng khỏi nỗi sợ hãi và những cảm xúc tiêu cực.
Người bị quấy rối và người quấy rối đều có thể là nạn nhân, đặc biệt với những em đang ở lứa tuổi học đường. Người quấy rối cũng không làm chủ được hành vi, không nhận biết được những xung lực thúc đẩy họ từ bên trong. Họ cũng bị điều khiển một cách vô thức. Nhiều người có hành vi quấy rối tình dục cũng từng là nạn nhân bị xâm hại trước đó. Đối tượng này thường là nam giới.
Với những người bị xâm hại, được giải phóng tổn thương tích tụ giúp làm tiêu tan những ám ảnh, nỗi sợ vô hình, niềm tin, cảm xúc tiêu cực. Với họ, mở lòng với một hiện tại tươi mới và sẵn lòng đón nhận tình yêu là việc có thể làm được, dù không dễ dàng. Điều này cần nhiều tình yêu thương từ những người khác, đặc biệt là những người thân. Người bạn đời có vai trò rất lớn trong việc chữa lành tổn thương, khi thấu hiểu, nâng niu họ và có mối quan hệ tình dục thực sự xuất phát từ tình yêu.
Vết thương rỉ máu nhưng có thể lành sẹo nếu được chữa bằng tình thương và sự thấu hiểu. Điều ấy đúng với mọi vết thương, trong đó có thương tổn do bị xâm hại tình dục.
Trần Kim Thành