Chỉnh lại cổ áo cho nhau là chuyện thường ở Việt Nam. Nhưng anh bạn cùng đoàn nhiều năm sống ở nước ngoài thì lý giải sự ngại ngùng của "ông Tây" theo hướng: việc động chạm cơ thể nhau nếu chưa được phép thì rất có thể phải đối mặt với việc bị kiện ra tòa. Tất nhiên không đến mức sửa cổ áo hộ cũng bị kiện. Nhưng sự cẩn trọng của người đàn ông Hà Lan cho thấy, tại nhiều nước, ý thức về quyền tự do thân thể, ý niệm về quấy rối nhất là quấy rối tình dục nơi công cộng, chốn công sở đã ăn rất sâu vào tiềm thức người dân.
Quấy rối tình dục nơi làm việc có lẽ được bàn nhiều từ khi Harvey Weinstein, ông trùm của làng điện ảnh Mỹ bị báo chí tố cáo quấy rối tình dục vào đầu tháng 10/2017. Sau đó, ngày 15/10/2017, nữ diễn viên phim Phép thuật Alyssa Milano đăng một dòng trạng thái trên Twitter kêu gọi những người phụ nữ từng bị quấy rối hay tấn công tình dục cùng đăng trạng thái "me too" – “tôi cũng vậy”. Hưởng ứng đề nghị này, rất nhiều phụ nữ, có cả người nổi tiếng, đã đồng loạt phản hồi bằng cụm từ "me too" và chia sẻ chuyện của mình về quấy rối và tấn công tình dục.
Người ta dễ mang một định kiến là quấy rối tình dục xảy ra nhiều hơn ở những địa phương tồn tại tình trạng "trọng nam khinh nữ". Tỷ lệ quấy rối tình dục ở Ấn Độ, theo các điều tra xã hội học, là rất cao. Hầu hết các trường hợp quấy rối đều không được tố cáo. Nhưng những cuộc thăm dò gần đây của báo chí Mỹ cho thấy 33 triệu phụ nữ Mỹ đã bị quấy rối tình dục trong các tình huống liên quan đến công việc, cho dù đó là một quốc gia tiên phong trong phong trào nữ quyền.
Những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tình trạng quấy rối tình dục được các nhà nghiên cứu chỉ ra là văn hoá, giá trị và sức mạnh tương đối và địa vị của nam giới và phụ nữ trong xã hội. Phụ nữ thường thiếu tự tin vì từ khi còn nhỏ thái độ của họ được tùy chỉnh để chịu sự im lặng và thỏa hiệp. Mặt khác, đàn ông được coi là "trên phân" phụ nữ. Quan điểm gia trưởng này tạo ra một môi trường cho phép đàn ông tự do quấy rối tình dục ở nơi làm việc.
Tại Việt Nam, Bộ Quy tắc do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công bố hồi tháng 5/2015 cho rằng quấy rối tình dục có thể bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm. Ngoài ra, quấy rối tình dục bằng lời nói hoặc hành vi phi lời nói… Như vậy, những câu chuyện cười tục tĩu có liên quan đến các bộ phận sinh dục mà vị sếp cũ của tôi hay kể trong những bữa cơm cũng là một dạng quấy rối tình dục. Hay chính phủ cũng quy định về hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với một trong những hành vi: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Lúc đầu, khi đọc được những tố cáo của một vài nữ phóng viên về quấy rối tình dục nơi làm việc, tôi dự định viết bài này với ý định kêu gọi xây dựng bộ quy chuẩn chỉ ra những hành vi nào là quấy rối tình dục. Nhưng như các bạn thấy, chúng ta đã có cả một Bộ quy chuẩn, một số điều khoản trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động. Và cả quy định dưới luật.
Khi tôi hỏi nhóm bạn tôi - những nam nhà báo ít nhiều quan tâm đến vấn đề này thì hầu như không nhận được câu trả lời trừ một nhà báo bắt đầu bằng cụm từ "hình như là…". Dường như chúng ta không quan tâm đúng mức đến vấn đề quấy rối tình dục. Không phải chỉ người dân không quan tâm đâu mà ngay cả cơ quan chức năng cũng vậy. Tôi đã tìm và bó tay không thể nào tìm thấy toàn văn văn bản mang tên "Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam" công bố hồi tháng 5/2015.
"Bạn không thể điều khiển hướng gió mà chỉ có thể điều khiển cánh buồm". Quấy rối tình dục sẽ luôn còn dù ở vỏ bọc một ông sếp hay kể chuyện tiếu lâm hay anh bạn mời uống bia cùng với việc đụng chạm cơ thể… Mỗi người phải tự điều chỉnh chính mình để không trở thành thủ phạm và tất nhiên là không phải nạn nhân của quấy rối tình dục. Thân thể do cha mẹ sinh ra, không ai có quyền xâm phạm mà không có sự đồng ý của chủ nhân, tôi nhớ lại lời dặn cô con gái ngày đầu đi làm của chị đồng nghiệp lớn tuổi.
Trần Anh Tú