Bất kể là bạn quay phim bằng chiếc máy quay kỹ thuật số phổ thông hay cao cấp thì chất lượng tác phẩm thu được vẫn tùy thuộc vào kỹ năng của bạn. Do đó, hãy làm theo các thủ thuật sau đây để tránh gặp phải các lỗi nghiệp dư và có được một đoạn phim tốt nhất.
* Sử dụng chân máy: Nếu được, mỗi khi quay, bạn nên sử dụng chân máy bởi một đoạn phim với hình ảnh cứ thi thoảng bị "giật giật" chắc chắn sẽ mang đến cho người xem sự phiền toái và khó chịu. Nếu buộc phải quay phim trong tư thế di chuyển, hãy cố hết sức cầm chắc thân máy và di chuyển thật chậm rãi.
* Sử dụng microphone: Bạn đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của âm thanh bởi đây cũng là một thành phần quyết định sự hấp dẫn của đoạn phim. Nếu đang sử dụng máy quay có microphone gắn trong, bạn cứ dùng nó. Tuy nhiên, nhiều loại máy quay hỗ trợ microphone gắn ngoài để tạo ra âm thanh chất lượng tốt hơn.
Tránh quay trong phòng tối: Trừ trường hợp bạn sử dụng máy quay cao cấp, còn không thì tình trạng thiếu sáng sẽ làm cho hình ảnh của đoạn phim mà bạn quay bị hạt. Do đó, hãy ghi hình trong một môi trường có điều kiện ánh sáng tốt nhất có thể. Nếu phải quay trong môi trường thiếu sáng, bạn phải sử dụng đèn chiếu phụ gắn trên camera.
Hạn chế sử dụng tính năng zoom: Các hình ảnh bất kể là ảnh chụp hay phim khi sử dụng tính năng phóng to (zoom), đặc biệt là zoom số, sẽ ít thể hiện tính trung thực, vì khi bạn tăng độ phóng đại lên thì máy quay/máy ảnh chỉ đơn thuần là phóng đại phần trung tâm ảnh. Do đó, nếu quay ở cự ly gần, bạn hãy chịu khó di chuyển.
Bỏ qua các hiệu ứng đặc biệt: Hầu hết các máy quay, thậm chí các máy ảnh số đều cung cấp bộ lọc hiệu ứng đặc biệt, chẳng hạn như cho phép tạo một đoạn phim trắng đen của những năm 1970. Tốt nhất, bạn nên quay phim ở tình trạng nguyên thủy, rồi về sau mới bổ sung các hiệu ứng bằng phần mềm biên tập phim.
Minh Toại
PC World Mỹ 6/2008