Những kẻ này thường đặt mua số lượng lớn đồ ăn hoặc liên tục đặt nhiều đơn hàng trong cùng ngày tới địa chỉ nhà riêng của con nợ, thường là vào đêm muộn, cảnh sát Singapore cảnh báo, ngày 22/4.
Kẻ đòi nợ sẽ chọn hình thức trả tiền khi nhận hàng để người vận chuyển (shipper) yêu cầu con nợ thanh toán giá trị đơn hàng lớn. Đôi khi, đồ ăn còn sẽ được chuyển tới địa chỉ người thân của con nợ.
Thủ đoạn này trở nên phổ biến trong bối cảnh Singapore áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt để hạn chế Covid-19 lây lan khiến hoạt động của nhiều nhà hàng phải phụ thuộc dịch vụ chuyển phát nhanh. Không chỉ khiến người vận chuyển và cơ sở chế biến thức ăn chịu thiệt hại, thủ đoạn mới của kẻ cho vay nặng lãi còn có mục đích hăm dọa, quấy nhiễu và làm người vay tiền xấu hổ.
Nhà chức trách khuyến cáo người dân không vay tiền từ những cơ sở quảng cáo qua tin nhắn, ứng dụng chat, hoặc thư điện tử vì cơ sở cho vay hợp pháp sẽ không quảng cáo như vậy.
Cảnh sát cũng cho biết sẽ có thái độ không khoan nhượng với hành vi quấy nhiễu của những kẻ cho vay nặng lãi.
Tại Singapore, người nào có hành vi quấy rối để đòi món nợ nặng lãi có thể bị phạt 5.000-50.000 SGD, tối đa 5 năm tù và 6 lần phạt đánh roi. Phụ nữ sẽ không bị phạt roi.
Quốc Đạt (Theo Strait Times, Channel News Asia)