Hành vi quay video, phát trực tiếp bộ phim lên mạng xã hội để lưu giữ hoặc chia sẻ với người khác là hành vi sao chép được quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009. Theo đó: “Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử”.
Theo khoản 6 Điều 28, khoản 5 Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, hai việc làm sau bị coi là xâm phạm quyền tác giả:
- Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.
- Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
Mức xử phạt
Theo Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm bị xử phạt hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 15.000.000 đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.
- Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Ngoài xử phạt hành chính, người có hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 170a (tội Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan) Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009 như sau:
1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm:
- Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
- Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình...
Như vậy, hành vi quay phim, phát trực tiếp nội dung phim trong rạp chiếu phim là vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt đến 35.000.000 đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm vì mục đích thương mại với mức phạt tù đến 3 năm theo quy định của Bộ luật hình sự nêu trên.
Ai có quyền xử phạt
- Chiến sỹ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng.
- Trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền phạt tiền đến 2.500.000 đồng.
- Trưởng công an cấp huyện; trưởng phòng công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng.
- Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng.
- Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, chánh thanh tra Sở Văn hóa, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, giám đốc công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng.
- Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin có quyền phạt tiền đến 250.000.000 đồng.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội