Từ 0h ngày 5/7, các xe đi từ Bình Dương, TP HCM đến các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ Đồng Nai đều bị kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19.
Tại chốt cầu Đồng Nai, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, nhiều tài xế ôtô du lịch, người đi xe máy viện lý do không nắm thông tin, quên giấy ở nhà, đã xét nghiệm đầu tuần mới có kết quả... nên xin được qua chốt sau khi khai báo y tế. Do mới triển khai, những trường hợp đầu tiên nhân viên trực chốt "thông cảm" cho qua, sau khi vận động đi xét nghiệm để đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng.
Trong khi đó, phần lớn các tài xế xe tải và container đều có "giấy thông hành". "Đây là giấy xét nghiệm âm tính lần thứ 3 của tôi. Không chỉ qua chốt kiểm dịch, để vào công ty, tôi và các đồng nghiệp đều phải có giấy này", tài xế Trần Đình Sỹ (51 tuổi, ở TP Biên Hòa), lái xe chở hàng từ TP HCM về Bà Rịa - Vũng Tàu nói và cho biết cứ 7 ngày công ty lại hỗ trợ tiền đi xét nghiệm nên cũng yên tâm.
Cách đó 10 km, tại trạm kiểm soát trên quốc lộ 1K, giáp ranh Biên Hòa và TP Dĩ An, Bình Dương, việc thực hiện quy định nghiêm hơn. Tài xế xe tải, ôtô con và xe máy khi qua đây phải trình giấy xác nhận âm tính nCoV mới được đi tiếp.
Nhiều người phải quay đầu xe sau khi năn nỉ không được. Anh Lê Văn Trường, tài xế chở đế giày từ huyện Bình Chánh, TP HCM về Biên Hòa, cho biết mấy nay đi làm lu bu nên chưa nắm được thông tin vào Đồng Nai phải có giấy xét nghiệm âm tính nCoV. "Giờ tôi đi tìm phòng khám nào gần đây để xét nghiệm rồi tiếp tục hành trình, dù gì công việc cũng chậm rồi, đối tác sẽ thông cảm", anh Trường nói.
Một số người đi xe máy bất chấp chạy ngược chiều hoặc lợi dụng xe đông, lực lượng chức năng không để ý để "thông chốt".
Tại phà Cát Lái nối TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch sáng nay khá lộn xộn do nhiều người phải quay đầu xe sau khi nhân viên bán vé nhắc nhở phải có giấy xét nghiệm mới được lên phà qua Đồng Nai. "Tôi có biết quy định này nhưng do hai ngày cuối tuần một số bệnh viện không làm việc nên chưa thể đi xét nghiệm", anh Nguyễn Thành Trung, 32 tuổi, nói.
Phía đầu phà ở huyện Nhơn Trạch, gần 20 cảnh sát giao thông, cơ động, nhân viên y tế dựng lều dã chiến lập chốt kiểm soát. Từng người đi xe máy, ôtô tải đều được kiểm tra giấy xét nghiệm có thời hạn trong vòng 7 ngày và khai báo y tế trước khi qua chốt. Đối với ôtô khách, cảnh sát cũng kiểm tra người ngồi trên xe. Một số trường hợp không đáp ứng yêu cầu bị buộc phải quay trở về TP HCM.
Vừa được qua chốt, anh Hữu Nam, 32 tuổi, nhân viên bảo trì máy lạnh nói, việc kiểm soát này khá mất thời gian do mỗi ngày phải qua lại giữa TP HCM và Đồng Nai nhiều lần. "Giấy xét nghiệm chỉ có thời gian 7 ngày, tức là một tháng tôi phải xét nghiệm ít nhất 4 lần để đi làm. Như vậy, tôi phải mất 4 buổi làm việc để đi xét nghiệm và phải bỏ chi phí hơn một triệu đồng", anh Nam nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc xí nghiệp quản lý phà Cát Lái cho biết, nhiều ngày gần đây đã yêu cầu nhân viên bán vé nhắc nhở người dân phải có giấy xét nghiệm khi qua phà. "Hầu hết tài xế xe tải và ôtô khách đều chấp hành. Tuy nhiên nhiều người lái xe máy vẫn chưa có giấy xét nghiệm, dẫn đến ùn ứ trước lối vào phà vào buổi sáng", ông Tuấn nói.
Tình hình dịch bệnh các tỉnh thành Đông Nam Bộ được Bộ Y tế nhận định đang phức tạp. Đến sáng nay TP HCM ghi nhận 6209 ca, Bình Dương 635 và Đồng Nai 69 ca nhiễm Covid-19. Ngoài Đồng Nai, TP Dĩ An (Bình Dương) yêu cầu người dân TP HCM, Đồng Nai khi vào thành phố này phải có giấy xét nghiệm âm tính nCoV từ 0h ngày 6/7.
Hiện, mỗi ngày có hơn 10.000 lao động ở Đồng Nai đến TP HCM và Bình Dương làm việc. UBND Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM vận động người lao động nên ở lại công ty, xí nghiệp hay nhà trọ, tránh việc phải qua lại các địa phương mỗi ngày.
Phước Tuấn - Đình Văn