Anh Hoàng Dũng, một ông bố sống tại Hà Nội viết trên Facebook, kể lại công cuộc đánh vật với việc cho con trai 4 tuổi ăn trong ngày nghỉ lễ.
“Bữa sáng: Một bát cháo con, ăn từ 7h30 đến 9h00, sau đó 9h15 uống nửa cốc nước cam mất 30 phút. Bữa trưa: Lưng bát con cơm canh, hai miếng cá và một quả trứng luộc, vừa đúng 70 phút. Ngủ trưa từ 13h30 đến 15h, ngủ dậy xơi một hộp váng sữa. Bữa tối 3 con tôm, lưng bát cơm ăn với món canh cải con rất thích, mà vẫn ăn từ 19h đến 20h20. Bữa cuối cùng lúc 21h30 là 200 ml sữa bột. 22h30: giờ đi ngủ".
Anh Dũng tự đánh giá: "Mình đã lao động rất hiệu quả và gian khó trong ngày quốc tế lao động". Hôm nay, với anh dù sao tình hình cũng sáng sủa hơn hôm qua. Hết mẹ khen, bố vỗ tay, rồi cầm roi dọa nạt và mắng mỏ, thậm chí bê bát cơm lên phòng làm việc cho con xem phim hoạt hình trên Youtube, cuối cùng mới kết thúc bát cơm.
Bình thường, chủ nhật là ngày mệt nhất trong tuần với vợ chồng anh Dũng vì phải phục vụ con ăn uống. Nhiều hôm vợ chồng anh lên kế hoạch đi chơi rồi không thể thực hiện vì thời gian ăn ngủ của con kéo dài.
Kỳ nghỉ lễ này kéo dài 5 ngày nhưng vợ chồng anh không có chương trình đi đâu, phần vì sợ con ăn không đủ lượng, phần vì sợ ra ngoài đông, con dính bệnh khi dịch sởi vẫn đang hoành hành. “Đang thời kỳ giao mùa, trẻ con dễ dính bệnh như chơi”, anh Dũng lo lắng. Chưa kể, Bin vốn viêm VA từ hồi tuổi rưỡi đến nay, gần như cứ hai tháng, vợ chồng lại phải đưa con đi gặp bác sĩ một lần nên anh rất cẩn thận với việc ăn và chơi của con.
Ngược lại với gia đình anh Hoàng Dũng, ngày nghỉ nào, vợ chồng chị Hương Giang (quận 7, TP HCM) cũng đưa con đi chơi từ sáng đến tối mới về. Mục đích để bọn trẻ ra ngoài nô đùa mệt nên dễ ăn hơn. “Cách trông con khỏe nhất chính là đưa con đi chơi”, bà mẹ hai con chia sẻ kinh nghiệm.
Nếu ở nhà, chị Giang phải gánh toàn bộ việc trông con. Hai đứa con, một 6 tuổi, một 4 tuổi rất khoái nghịch nước, lúc hòa bình thì giấu mẹ cùng nhau nghịch, khi giận nhau thì đứa này mách tội đứa kia. Đặc biệt cả hai đều lười ăn. Trong khi chị điên đầu với hai đứa con thì chồng thường trốn ra quán nước đầu hẻm uống cà phê và đánh cờ với mấy ông hàng xóm, thậm chí nhiều hôm đến giờ cơm cũng không về. Được cái vợ đề xuất làm "xe ôm" chở cả nhà đi chơi thì anh không từ chối.
Kỳ nghỉ lễ này, chị lên sẵn danh sách đi chơi: 30/4 tụ tập ở nhà một người bạn thời đại học, 1/5 đi về nhà ngoại ở Phú Nhuận, 2/5 đi công viên Tao Đàn, 3/5 đi xem vịt ở Phú Mỹ Hưng, chủ nhật đi siêu thị. Tuy nhiên, chương trình mới diễn ra được hai ngày thì cả nhà phải đội mưa trên đường đi và cậu con út về ho sặc sụa khiến chị đang phải xem xét lại lịch trình của gia đình. “Mấy ngày nghỉ đi lại như đèn cù rồi phục vụ bọn trẻ rất mệt, chỉ mong mau hết kỳ nghỉ bọn trẻ đi học. Ở nhà trông con thực sự còn mệt hơn đi làm”, chị Giang than thở.
Chị Tâm (Gò Vấp, TP HCM) cũng đang mong kỳ nghỉ sớm kết thúc để người giúp việc quay trở lại. Công ty nơi chồng chị làm việc không được nghỉ ngày thứ sáu và thứ bảy nên rốt cuộc vợ chồng chị cũng chẳng đi đâu trong dịp lễ. Bữa ăn nào, hai đứa con cũng vừa ngậm vừa chơi, rồi làm đổ tung tóe ra nhà, mẹ muốn cho con ăn cố, bố muốn cho con đi ngủ sớm, chồng chê vợ đoảng khiến hai vợ chồng giận nhau. Sáng nay, nhìn đống bát đĩa ăn cả ngày hôm qua vẫn chưa rửa, cái đệm đầy thức ăn bọn trẻ trớ ra vứt chỏng trơ ở góc nhà, hai giỏ quần áo chưa giặt chưa phơi, chị gọi taxi đưa hai con ra ngoài chơi để giải tỏa tâm trạng.
Nói chuyện trong chương trình Gia đình hồn nhiên tại TP HCM mới đây, thạc sĩ Trần Thị Ái Liên cho biết, trẻ em sẽ có thể dự trữ thức ăn trong 6 ngày, tức là nếu trong 6 ngày mà trẻ ăn uống vật vờ thì sức khỏe cũng không ảnh hưởng. Sau đó trẻ có thể ăn bù và trở lại như cũ. Vì thế, cha mẹ có thể cùng con tận hưởng kỳ nghỉ một cách thoải mái, vui vẻ, đừng quá nặng nề vì chuyện ăn uống của trẻ, dẫn đến mất vui. Thậm chí, cha mẹ có thể tận dụng kỳ nghỉ dài ngày để thay đổi thói quen cho trẻ ăn, giúp trẻ trở nên có kỷ luật hơn.
Còn thạc sĩ Đào Thị Yến Phi (giảng viên khoa dinh dưỡng, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM) kể, trong một buổi tư vấn dinh dưỡng hồi tháng 3, bà thấy đến dự không có một đứa trẻ nào suy dinh dưỡng, nhưng phần lớn bà mẹ đều lo lắng khẳng định con mình ăn quá ít, bữa ăn quá vất vả và sợ con mình thiếu cân. Bác sĩ nhận xét vui, nhiều lúc tư vấn nuôi dạy trẻ nhưng không phải là chữa bệnh cho con mà chính là chữa bệnh tâm lý cho các vị phụ huynh.
Kim Kim