Đây là kết quả nghiên cứu được công bố đầu tháng 10 trên tạp chí Child Abuse and Neglect của nhóm các nhà khoa học thuộc ĐH Wingate (Mỹ) và Khoa ngôn ngữ và Tâm lý thuộc ĐH London (Anh). Các chuyên gia cho rằng vấn đề bạo hành bằng ngôn từ cần được xem như một hình thức ngược đãi để tìm ra các phương pháp bảo vệ trẻ.
Ngược đãi trẻ em được chia làm bốn loại gồm lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục, lạm dụng tình cảm và lạm dụng lời nói. Không giống như những hình thức khác, lạm dụng lời nói thường biểu hiện công khai nhưng dễ bị bỏ qua nên được các chuyên gia đặc biệt lưu ý.
Giáo sư Shanta Dube – giám đốc chương trình y tế cộng đồng, Đại học Wingate cho rằng bạo lực lời nói sẽ để lại hậu quả tiêu cực suốt đời. Hành động la hét, mắng nhiếc của bố mẹ, giáo viên, huấn luyện viên xảy ra liên tục trong thời ấu thơ sẽ khiến trẻ có biểu hiện dễ tức giận, trầm cảm và sa sút tinh thần.
Jessica Bondy - người sáng lập tổ chức bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành lời nói Words Matter, nhấn mạnh đôi khi người lớn bị căng thẳng quá mức và la mắng trẻ một cách vô ý. Họ buộc phải nhận ra và chấm dứt hành vi của mình để trẻ em có cơ hội được phát triển.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ lạm dụng tình dục và lạm dụng thể chất trẻ em đã giảm trong khi lạm dụng tình cảm tăng. Sự chênh lệch đáng kể này khiến các nhà nghiên cứu phải xác định hành vi lạm dụng lời nói một cách nhất quán. Mức độ phổ biến và sự ảnh hưởng của loại lạm dụng cần được đo lường chính xác để đề ra các biện pháp can thiệp.
Tổ chức Words Matter đề nghị người lớn tránh la hét, lăng mạ, hạ thấp tự trọng của trẻ trong các cuộc trò chuyện. Họ cần suy nghĩ kỹ trước khi nói và dành thời gian chữa lành cảm xúc trẻ nếu lỡ có lời gây tổn thương.
Ngọc Ngân (Theo CNN)