Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hoá (Quảng Trị) bắt đầu trồng thử nghiệm số sâm Ngọc Linh này từ cuối tháng 8 trên diện tích một ha rừng tự nhiên ở đỉnh đèo Sa Mù. Đây là khu rừng kín thường xanh, độ che phủ trên 80%, nằm tại độ cao 1.100 đến 1.400 mét. Việc thử nghiệm nằm trong dự án có số vốn 500 triệu đồng từ ngân sách tỉnh Quảng Trị, kéo dài ba năm.
Số sâm này một năm tuổi, được mua trực tiếp của người dân xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) với giá 360.000 đồng mỗi cây. Cùng với sâm Ngọc Linh, Khu bảo tồn mua thêm 200kg mùn núi đen, là thảm thực bì của rừng Nam Trà My lâu ngày hoai mục để trồng với sâm giống, tạo sức ban đầu cho sâm.
Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hoá cho hay khu vực trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh ở Quảng Trị có khí hậu và đặc điểm rừng tương đồng với Nam Trà My, tuy nhiên có độ cao và độ tốt của đất không bằng, nhiệt độ cao hơn.
Sau một tháng rưỡi trồng, số sâm Ngọc Linh được đánh giá bén rễ, sinh trưởng tốt tại vùng đất mới. Ông Hoan nói: "Ban đầu, chăm sóc sâm rất vất vả, không được lơ là. Sâm Ngọc Linh là cây dễ tổn thương, có thể bị con người, động vật hay mưa lũ tác động xấu nên nhân viên phải theo dõi hàng ngày".
Việc trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh còn có sự tham gia của 30 người dân thuộc năm xã phía bắc huyện Hướng Hoá. Ông Hoan cho hay: "Chúng tôi lựa chọn người dân, mời giảng viên ở Quảng Nam về tập huấn. Người dân tham gia ở tất cả các khâu trồng, chăm sóc nhằm sau này chuyển giao thuận lợi".
Nếu sâm Ngọc Linh thích nghi và sinh trưởng tốt, Khu bảo tồn sẽ nhân rộng mô hình ra diện tích 100ha ở đỉnh đèo Sa Mù, tăng thu nhập cho người dân bản địa.
Sâm Ngọc Linh được trồng chủ yếu ở vùng núi huyện Nam Trà My và một phần tỉnh Kon Tum. Củ sâm Ngọc Linh trồng có giá 8 -15 triệu đồng một lạng (đối với loại có trọng lượng ba củ một lạng). Giá của chúng sẽ tăng lên khi củ có trọng lượng lớn và lâu năm. Tất cả các sản phẩm của sâm Ngọc Linh, từ củ, thân, lá, quả và hạt đều được thu hoạch và bán với giá cao.
Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng ra bảy xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với 30.000 ha, đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Đầu tháng 6/2017, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia.