Quảng Ninh bắt đầu đá V-League năm 2014. Đó là thời điểm hàng loạt tên tuổi như Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn hay Hòa Phát Hà Nội bị xóa sổ. Kể từ đó đến nay, danh sách này còn thêm Đồng Nai, Vissai Ninh Bình... Tức là, chuyện "biến mất" của một đội bóng không phải là điều gì đó bất ngờ. Ở đâu cũng vậy thôi: đủ điều kiện thì vào sân, không thì nghỉ. Qui luật thị trường của bóng đá chuyên nghiệp là vậy.
Nhưng Quảng Ninh lại khác. Họ mất đến 22 năm, trôi nổi từ hạng Nhất xuống tận hạng Ba, mới giành được quyền trở lại bóng đá đỉnh cao Việt Nam vào năm 2013. Đấy là một quãng thời gian quá dài để những người làm bóng đá vùng đất mỏ cân nhắc trước khi quyết định lên chơi V-League. Và ngay mùa đầu tiên khi đó, đội bóng lâm vào cảnh khốn khổ về tài chính do Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam rót tiền tài trợ nhỏ giọt theo hình thức "nghĩa vụ địa phương". Tết năm đó, cầu thủ được thưởng... gạo thay vì tiền và cuối mùa 2014, đội bóng được trả về cho tỉnh, số phận như "ngọn đèn trước gió" nếu không có doanh nghiệp của ông Phạm Thanh Hùng nhận trách nhiệm duy trì CLB.
Gian khó đã qua, bài học kinh nghiệm rất sát sườn, vậy mà bây giờ Quảng Ninh lại đi đúng vào vết xe đổ của sáu năm trước. Sự việc xảy đến đúng thời điểm mà ai cũng nghĩ Quảng Ninh sẽ hái những quả ngọt đầu tiên sau quá trình duy trì và đầu tư phát triển. Sáu năm qua, từ một đội bóng "thiếu ăn", Quảng Ninh dần trưởng thành và được xem là mô hình của bóng đá chuyên nghiệp hiện đại. Năm 2015, họ đã có bộ phận truyền thông và Hội CĐV. Thông tin đội bóng được cập nhật liên tục trên các nền tảng truyền thông, hoạt động cổ vũ bóng đá tại sân Cảm Phả được VFF lẫn VPF ghi nhận là số một tại Việt Nam nhiều năm liền với sự đồng bộ từ trang phục đến phong cách đa màu sắc trên khán đài. Đội bóng cũng có sự phục vụ của nhà cầm quân kỳ cựu Phan Thanh Hùng, người từng xây dựng đế chế Hà Nội FC ngày nay. Chủ tịch CLB Phạm Thanh Hùng là người yêu bóng đá, có năng lực tài chính cá nhân. Nhìn tổng thể, Quảng Ninh có vẻ đầu tư bài bản cho mục tiêu chuyên nghiệp lâu dài.
Thế nên, câu hỏi đặt ra: Liệu các thành tích trong những năm gần đây của Quảng Ninh có được là nhờ họ có một quá trình làm bóng đá bài bản, hay chỉ đơn giản là nhờ tiền?
Đó chính là câu hỏi cần phải được trả lời để tránh cho bóng đá Việt Nam rơi vào một trường hợp bi kịch như Quảng Ninh. Theo Chủ tịch Phạm Thanh Hùng, tổng chi cho CLB trên dưới 70 tỷ đồng nhưng nhà tài trợ chính là 30 tỷ đến 35 tỷ, tức là chiếm đến 50%. Đây là con số quá lớn đối với một nhà tài trợ đơn thuần (không phải chủ sở hữu CLB), chính vì thế mà khi Tập đoàn Than khoáng sản không giải ngân thì CLB ở trong tình trạng mất cân đối không thể điều chỉnh. Vấn đề nằm ở chỗ này: Tại sao không một ai khác thay thế nhà tài trợ cũ? Phải chăng giá trị của một CLB bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam xét ở góc độ tiếp thị, thương mại là quá nhỏ khiến cho các doanh nghiệp không mấy hào hứng tham gia? Quảng Ninh không phải là địa phương thuộc dạng "nghèo", CLB của họ cũng có những dấu ấn cả về chuyên môn lẫn hình ảnh, thế nhưng họ vẫn không kiếm đâu ra một nhà tài trợ sẵn sàng bỏ ra 30 tỷ đồng. Tệ hơn, khi Chủ tịch Phạm Thanh Hùng "đòi" trả về địa phương, tỉnh Quảng Ninh cũng chẳng muốn nhận. Rốt cục, đội bóng đá là của ai?
Chuyện một đội bóng vì thiếu tiền mà không thể thi đấu thì rất bình thường, bi kịch nằm ở chỗ một đội bóng đã cố gắng làm mọi thứ chuyên nghiệp nhất, tốt nhất mà vẫn không thể kiếm ra tiền để nuôi sống mình. Quảng Ninh đã mất đến sáu năm kiên trì đầu tư để hy vọng "đổi đời", vậy nhưng cái kết của họ có thể sẽ thật đắng nghét. Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ra đời từ năm 2001, sắp kỷ niệm 20 năm, vậy mà vẫn có chuyện một ứng viên vô địch có thể "đột tử" vì hết tiền, còn tân binh Gia Định FC thì phấn đấu cả năm, tốn không ít tiền để được thăng hạng Nhất, nhưng cũng vì chẳng kiếm đâu ra tiền để duy trì đành chấp nhận trở lại với hạng bán chuyên.
Đó là nỗi buồn thực sự của nền bóng đá, bởi với những ví dụ đầy "đau thương" như thế, mọi lời hô hào tham gia đầu tư bóng đá chẳng khác nào cái bánh vẽ.
Song Việt