Phó thủ tướng Trần Hồng Hà hôm 11/2 ký phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quảng Ninh được định hướng trở thành tiêu biểu cả nước về mọi mặt; kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là cực tăng trưởng của phía Bắc, trung tâm du lịch quốc tế, kinh tế biển, cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Chính phủ kỳ vọng dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh. Đến năm 2050, Quảng Ninh sẽ là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN. Sân bay quốc tế Vân Đồn thành trung tâm logistics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho Đông Nam Á.
Quảng Ninh cũng sẽ phát triển thành trung tâm kinh tế biển, kết nối khu vực và quốc tế với hệ thống cảng nước sâu, âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế, gắn với chuỗi kinh tế đô thị ven biển. Các loại thủy sản làm dược liệu và thực phẩm dinh dưỡng được khuyến khích nuôi trồng. Kinh tế biển sẽ gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo.
Công nghiệp chế biến, chế tạo của địa phương là trụ cột chính trong nền kinh tế. Công nghiệp năng lượng thân thiện môi trường chuyển dần sang năng lượng sạch, tái tạo. Tỉnh không mở rộng các nhà máy nhiệt điện than mà đầu tư nâng cao hiệu suất các nhà máy hiện tại, bảo vệ môi trường.
Ở mục tiêu ngắn hạn hơn, Chính phủ mong muốn đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân cả giai đoạn của Quảng Ninh là 10%/năm, cơ cấu kinh tế nông, lâm, thủy sản chiếm 3-4%; công nghiệp xây dựng chiếm 47-48%; dịch vụ 38-39% và thuế sản phẩm 9-10%; GRDP bình quân đầu người đạt 19.000-20.000 USD.
Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 1,9%/năm; đến 2030 dân số toàn tỉnh khoảng 2,64 triệu người, trong đó dân số thường trú khoảng 1,63 triệu người. Chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh duy trì ở nhóm 5 tỉnh thành đứng đầu cả nước; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Hai ngày trước, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt quy hoạch thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đến năm 2040 là đô thị dịch vụ, du lịch quốc gia mang tầm quốc tế; phát triển bền vững kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Vịnh Cửa Lục được coi là trung tâm kết nối theo hướng đa cực, hài hòa với di sản vịnh Hạ Long và vùng núi phía Bắc thành phố. Phía Tây và phía Bắc vịnh Cửa Lục phát triển khu vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, resort cao cấp, cảng tàu khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy nội địa hiện đại đẳng cấp quốc tế. Phía Đông và vùng đồi núi phía Bắc phát triển du lịch văn hóa. Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu, Hồng Hà, Hà Phong, Yết Kiêu, Cao Xanh phát triển hệ thống bãi tắm và dịch vụ công cộng.
Tỉnh Quảng Ninh rộng 6.200 km2 và phần diện tích biển lớn, với bốn thành phố Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí; hai thị xã Quảng Yên, Đông Triều; 7 huyện. Trong đó, TP Hạ Long rộng 1.120 km2 và hơn 400 km2 mặt biển.