VnExpress phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, về tình hình dịch bệnh sau 15 ngày kể từ khi ca mắc Covid-19 trong cộng đồng được phát hiện ở tỉnh này.
-Thưa ông, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
- Sáng 27/1, cùng tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh ghi nhận ca dương tính đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng là "bệnh nhân 1553", nhân viên an ninh Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Chiều cùng ngày, nhận được thông báo từ tỉnh Hải Dương có 8 công nhân công ty PoYon, TP Chí Linh (Hải Dương) vừa xét nghiệm dương tính với nCoV là người thị xã Đông Triều.
Tổng số ca dương tính được phát hiện trên địa bàn từ ngày 27/1 đến nay là 57. Hai ca được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, hiện tại còn 55 ca đang được điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.
Đây là những trường hợp lây nhiễm cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay ở Quảng Ninh, nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng. Tuy nhiên, Quảng Ninh đã ngăn chặn được đà lây lan nhanh của dịch bệnh, đang kiềm chế và cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Những trường hợp được phát hiện nhiễm Covid-19 trong những ngày gần đây là những người đã được xác định có yếu tố nguy cơ (tiếp xúc gần, đi về từ vùng có dịch,...) và đã được đưa vào cách ly tập trung ngay từ đầu, không có trường hợp phát sinh ngoài cộng đồng.
- Quảng Ninh đã triển khai các biện pháp nào để phòng, chống Covid đạt kết quả nêu trên?
- Để giành lại địa bàn an toàn, nhanh chóng kiểm soát được tình hình lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai: Truy vết thần tốc; mở rộng xét nghiệm sàng lọc mọi trường hợp nguy cơ cao, gắn với nâng cao năng lực xét nghiệm nhanh, trả kết quả sớm; tổ chức cách ly, bao vây, khoanh vùng triệt để các ổ dịch.
Chúng tôi đã mở rộng diện xét nghiệm toàn bộ cư dân trên địa bàn là những người có bệnh lý nền; những người có biểu hiện dịch tễ liên quan đến Covid-19; toàn bộ nhân viên y tế và người tham gia các lực lượng phòng chống dịch; những người làm việc ở các nơi thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; lái xe vận tải khách; người giao hàng...
Thực hiện khai báo y tế toàn dân lần thứ 3, lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe cho người dân một cách có hệ thống...
Tỉnh cũng đã xây dựng bản đồ số phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn; cập nhật chi tiết tình hình dịch bệnh đến cấp xã, thôn phục vụ cho công tác truy vết, giám sát.
Chúng tôi còn thành lập nhóm chuyên gia của tỉnh gồm các lĩnh vực công nghệ thông tin, y tế, an ninh... và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, hỗ trợ tối đa các địa phương đang có ca bệnh đẩy nhanh tốc độ, nâng cao hiệu quả truy vết.
Tỉnh cũng triển khai chiến dịch cài đặt và sử dụng ứng dụng bluezone cho toàn bộ các máy điện thoại thông minh trên địa bàn. Đến nay đã có 433.018 người sử dụng bluezone, đạt 34% số người có smart phone, 32% dân số toàn tỉnh.
Với việc truy vết thần tốc trong thời gian ngắn, xét nghiệm diện rộng và nhanh, tỉnh Quảng Ninh đã giành lại được địa bàn an toàn. Qua đó mọi mặt đời sống của người dân từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới, người dân Quảng Ninh có thể yên tâm đón tết trong trạng thái bình thường mới như lời khẳng định của Bộ trưởng Y tế tại cuộc làm việc với tỉnh vào ngày 7/2 vừa qua .
- Quảng Ninh tính đến phương án mua vaccine Covid-19 để tiêm phòng cho người dân như thế nào, thưa ông?
- Quảng Ninh là địa bàn tuyến đầu với đặc thù là tỉnh có đường biên giới trên bộ, trên biển. Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn được Chính phủ chỉ đạo là địa điểm đón chuyên gia nước ngoài, công dân Việt Nam về nước phục vụ công tác cách ly phòng chống dịch; là cửa ngõ giao thương kinh tế qua hệ thống cảng biển, đường bộ, đường hàng không là địa bàn trọng điểm về du lịch; trung tâm công nghiệp than, điện của cả nước góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Sự phát triển và an toàn của tỉnh Quảng Ninh có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của quốc gia.
HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết quy định một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó rà soát điều chỉnh các nhiệm vụ chi, tiếp tục giảm 10% chi thường xuyên, tăng dự phòng ngân sách lên mức tối đa 4% trên tổng chi ngân sách địa phương tạo nguồn lực dự phòng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh khác và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo quy định.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục hạn chế tối đa mua sắm tài sản, cắt giảm chi phí hội họp, đào tạo, thăm quan học tập kinh nghiệm, cắt giảm các nhiệm vụ chi và không ban hành các chế độ, chính sách mới chưa thật sự cần thiết, cấp bách..., từ đó dành nguồn lực cùng với các nguồn lực hợp pháp khác (tối thiểu 500 tỷ đồng) để sẵn sàng cho việc mua vaccine phòng ngừa Covid-19 và triển khai tiêm phòng cho toàn dân.
UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế quan tâm xem xét ưu tiên cho tỉnh Quảng Ninh được tổ chức mua vaccine phòng ngừa Covid-19 sớm nhất để triển khai ngay công tác tiêm phòng cho toàn dân; trước mắt là các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch của ngành y tế, lực lượng vũ trang, lực lượng đảm bảo an ninh năng lượng...
- Tỉnh gặp khó khăn gì trong việc phòng, chống dịch bệnh những ngày qua, thưa ông?
- Tỉnh Quảng Ninh đã sớm dự báo, nhận diện rõ các khó khăn và đã có giải pháp khắc phục.
Một là, để khắc phục khó khăn về nhân lực, tỉnh đã khẩn trương đào tạo, huy động tối đa lực lượng từ các cơ sở y tế công lập, tư nhân, sinh viên trường cao đẳng y tế,... chi viện cho các địa phương có dịch như Đông Triều, Vân Đồn, Hạ Long,... hoàn thành nhanh nhất việc điều tra, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm.
Hai là, để đáp ứng yêu cầu thực hiện và trả kết quả nhanh đối với số lượng mẫu xét nghiệm tăng đột biến trong thời gian rất ngắn, tỉnh đã huy động sự tham gia vào cuộc của các doanh nghiệp ủng hộ sinh phẩm, hỗ trợ máy xét nghiệm, hỗ trợ nhân lực,... góp phần củng cố, nâng cao năng lực hệ thống các phòng xét nghiệm tại các cơ sở y tế của tỉnh. Theo đó, năng lực xét nghiệm mỗi ngày của 6 cơ sở xét nghiệm đã đủ khả năng thực hiện tới 7.000 mẫu đơn và gần 40.000 mẫu gộp.
Ba là, về cơ sở thu dung, cách ly, tỉnh đã xây dựng kịch bản và đã có sự chuẩn bị từ đầu dịch năm 2020. Ngành y tế đã tham mưu cho tỉnh thiết lập 3 bệnh viện cách ly, điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 và huy động, bố trí đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực kèm theo; đồng thời thiết lập khu điều trị cách ly tại tất cả các bệnh viện theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng cho tình huống dịch bệnh lan rộng trên địa bàn.
Các địa phương chủ động bố trí các cơ sở cách ly tập trung (trưng dụng các cơ sở lưu trú, trường học, doanh trại quân đội...), phân công các lực lượng để tiếp nhận, cách ly tập trung cho người có yếu tố nguy cơ theo kịch bản đã được xây dựng trước đó.
Do có sự chuẩn bị từ rất sớm theo phương châm "3 trước, 4 tại chỗ" từ đầu vụ dịch đến nay, tỉnh Quảng Ninh luôn luôn ở thế chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Việt Nam đặt mục tiêu tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 cho người dân. Tại cuộc họp hôm 31/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19) sớm trình phương án mua vaccine trong quý I/2021. "Tinh thần là chi ngân sách Nhà nước và xã hội hóa nguồn lực", Thủ tướng nói.
Vừa qua, tiếp sau Hải Phòng, lãnh đạo TP Hà Nội cũng dự kiến cung cấp vaccine Covid-19 cho người dân bằng nguồn vốn từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.