HĐND tỉnh Quảng Ngãi vừa ra nghị quyết xác định nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Hiện tại, tỉnh đang thiếu hụt đội ngũ bác sĩ, dược sĩ đại học trầm trọng, nguyên nhân được cho là do thu nhập thấp và điều kiện làm việc chưa hấp dẫn.
Trao đổi với VnExpress.net sáng 27/4, ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở y tế Quảng Ngãi cho biết, để đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu bác sĩ, dược sĩ, những người có trình độ trên đại học chuyên ngành y, dược, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, tỉnh đã ban hành chính sách tăng phụ cấp đãi ngộ ngoài mức lương hàng tháng.
Cụ thể, ngoài việc hưởng lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách theo quy định, các đối tượng đãi ngộ còn được hưởng mức phụ cấp từ 0,7 đến 2 lần mức lương cơ sở (tăng thêm từ 800.000 đến 2,3 triệu đồng) mỗi tháng, bắt đầu thực hiện vào tháng 1/2015.
Thống kê của Sở y tế Quảng Ngãi, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã có 45 bác sĩ bỏ việc đến cơ sở y tế của tỉnh khác công tác. Do vậy việc tăng phụ cấp đãi ngộ hàng tháng nhằm khuyến khích đội ngũ y, bác sĩ tiếp tục cống hiến trình độ chuyên môn.
Bên cạnh chính sách đãi ngộ nói trên, Quảng Ngãi cũng đang áp dụng chính sách đặc biệt thu hút đội ngũ bác sĩ trẻ, nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Cụ thể, ngoài việc hưởng lương theo quy định của Nhà nước, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sỹ chuyên khoa II (chuyên ngành sản phụ khoa) được hỗ trợ một lần từ 300 đến 350 triệu đồng; tiến sĩ các chuyên ngành khác, thạc sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ nội trú (chuyên ngành sản phụ khoa) 250 triệu đồng.
Đối với bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I, bác sĩ nội trú hay bác sĩ, dược sĩ đại học (tốt nghiệp khá, giỏi) được hỗ trợ từ 200 đến 230 triệu đồng. Ngoài ra, người được hưởng đãi ngộ có hộ khẩu thường trú ngoài tỉnh Quảng Ngãi, sau khi được bố trí công tác, tỉnh sẽ xem xét tiếp nhận chồng (vợ), con ruột vào làm việc tại các đơn vị thuộc tỉnh quản lý (đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định).
Trí Tín