Mưa lũ lớn gây sạt lở mố cầu hoặc cuốn trôi hoàn toàn những cây cầu ở xã Ba Xa, Ba Động... gây cô lập hàng nghìn hộ dân ở 6 xã vùng cao huyện miền núi Ba Tơ. Chính quyền địa phương yêu cầu người dân không qua lại cho đến khi nước lũ rút có thể đi lại qua sông bằng đò. Gần 2/3 lòng đường Quốc lộ 24 đoạn qua huyện miền núi Ba Tơ toác hoác vì nước xoáy. Một quãng đường bê tông nhựa bị lũ ngoạm sâu, uy hiếp tính mạng người đi đường. Dù hệ thống cáp quang được ngầm hóa vẫn bị lũ lịch sử hất văng, ngổn ngang trên tuyết đường từ Quảng Ngãi đi Kon Tum. Hiện trường ngổn ngang, tơi bời trên một cây cầu ở vùng cao Quảng Ngãi sau cơn lũ lúc rạng sáng 16/11. Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Mộ Đức xuất hiện nhiều vệt nứt dài hàng trăm mét. Nhiều vùng rừng keo ngã rạp vì nước cuốn. Lũ chưa rút hoàn toàn nhưng người dân vùng trũng ven sông ở Quảng Ngãi tranh thủ dọn dẹp bùn đất để bắt đầu cuộc sống mới. "Nhà tôi bị nước ngâm hơn một ngày đêm, sáng nay mới rút. Chắc phải mất trọn một ngày để tổng vệ sinh bùn đất bám đầy các vật dụng", anh Nguyễn Văn Ý ở phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi nói. Người dân phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi (ven sông Bàu Giang) dù đã kê giường, tủ lạnh, tivi, bếp ga... lên cao nhưng vẫn bị lũ nhấn chìm suốt nửa ngày nên đã hư hỏng hết. Sáng 17/11, nhiều khu dân cư ở các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh... vẫn còn ngập sâu, giao thông chủ yếu bằng ghe thuyền. Lũ lớn cũng làm sạt lở núi ở hàng trăm điểm thuộc 6 huyện vùng cao gây tắc nghẽn giao thông. Riêng tuyến Quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum vẫn chưa thể khai thông vì nhiều điểm sạt lở núi nghiêm trọng trên đèo Violăc. Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão & tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, mưa lũ vượt đỉnh lịch sử đã làm 8 người chết, 4 người mất tích và 15 người bị thương. Trí TínMưa lũ ở Quảng Ngãi ngang với đỉnh lịch sử Lũ Quảng Ngãi dâng cao 15 m trong đêm