Tỉnh Quảng Ngãi vừa công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và tiến độ thực hiện dự án thép Guang Lian Dung Quất. Kết luận này cho biết có đầy đủ điều kiện để cơ quan quản lý ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án. Lãnh đạo địa phương cũng cho biết đã có văn bản gửi xin ý kiến các bộ ngành, Trung ương, đề nghị chấm dứt dự án với phía Guang Lian chậm nhất vào 30/6.
Nhà đầu tư ôm đất 10 năm chưa hoàn thành dự án. |
Quyết định nêu trên được tỉnh Quảng Ngãi đưa ra sau khi nhà đầu tư đã "ôm" đất sạch 10 năm nay, gây lãng phí lớn. Hiện Guang Lian vẫn chưa đồng ý và đã có văn bản phản đối việc công khai kết luận thanh tra đơn vị này ra công chúng.
Dự án thép Guang Lian Dung Quất được cấp giấy chứng nhận năm 2006, thuộc Khu kinh tế Dung Quất, do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan, Trung Quốc) đầu tư với số vốn ban đầu 556 triệu USD.
Sau đó, dự án này nhiều lần điều chỉnh quy mô, công suất thiết kế. Năm 2008, Tycoons hợp tác với Công ty E-United (Đài Loan) và nâng quy mô vốn lên 4,5 tỷ USD, công suất 7 triệu tấn. Nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế đã giải tỏa, bàn giao 337 ha đất.
Tháng 4/2012, hai nhà đầu tư Đài Loan tiếp tục mời gọi Tập đoàn JFE (Nhật Bản) hợp tác nhưng sau một thời gian nghiên cứu tính khả thi đến tháng 9/2014, JFE đã thông báo không tham gia đầu tư dự án. Sau đó, chủ đầu tư lại xin giảm vốn xuống 2 tỷ USD và sản xuất thép tấm thay vì thép kỹ thuật cho công nghiệp cơ khí chế tạo.
Tháng 7/2015, Guang Lian đã gửi văn bản lên tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận không thể thu xếp được nguồn tài chính tiếp tục thực hiện dự án. Công trình do đó đã dừng hoạt động từ giữa năm 2014 đến nay. Tính đến tháng 9/2014, dự án mới được đầu tư được 42 triệu USD, trong đó ngân sách Nhà nước đã tạm ứng 175 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng sạch. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần họp bàn về việc chấm dứt dự án, đề nghị thu hồi diện tích đất đã cấp, thực hiện thanh lý tài sản để tránh gây lãng phí mặt bằng.
Cuối năm 2015, một doanh nghiệp trong nước là Tập đoàn Hòa Phát đã có văn bản đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cho phép đầu tư dự án thép với tổng vốn khoảng 2-2,5 tỷ USD, công suất 4 triệu tấn mỗi năm, có nhu cầu được cấp 300-350ha thuộc diện tích đất của Guang Lian đang quản lý. Theo đó, Hòa Phát đề nghị Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất giải quyết dứt điểm về việc cấp đất, tài sản gắn liền với đất của dự án nhà máy thép Guang Lian và sẽ thanh toán lại theo nguyên tắc dự án mới sử dụng.
Quyết định thu hồi dự án của Guang Lian diễn ra trong bối cảnh dư thừa của ngành thép trong nước và quốc tế. Cũng tại miền Trung, hiện dư luận còn đang lưu tâm tới một đại dự án khác trong lĩnh vực này là Formosa (công suất dự kiến 10,5 triệu tấn một năm cho giai đoạn I và 22 triệu tấn cho giai đoạn II) ở cả khía cạnh sản xuất và môi trường. Việt Nam có vị trí gần thị trường sản xuất sắt thép khổng lồ là Trung Quốc nên độ khả thi của dự án Guang Lian Dung Quất được đánh giá rất thấp. Hiệp hội Thép Việt Nam trong nhiều lần "kêu cứu" đã cho biết thép Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tràn vào Việt Nam đã đẩy nhiều doanh nghiệp trong nước đến bờ vực phá sản. "Kinh tế tăng trưởng chậm lại, quy hoạch ngành thép với công suất thiết kế quá lớn khiến dư thừa, các doanh nghiệp thép Trung Quốc tìm mọi cách để xuất khẩu, thậm chí bán với giá thấp hơn chi phí sản xuất, và Việt Nam trở thành thị trường lý tưởng do vị trí địa lý kề bên giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển", Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định. Ngoài ra, theo Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc, đến năm 2018, thuế nhập khẩu thép hợp kim về 0% càng tăng thêm lợi thế giá thấp của thép Trung Quốc. |