Ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ đầu năm 2015 đến 2018, Quảng Ngãi lần lượt đưa 160 nông dân, hội viên các hợp tác xã, tổ hợp tác trong tỉnh đến các nước Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc...tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp.
Kinh phí thực hiện đề án này khoảng 4,7 tỷ đồng, trong đó nông dân, cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác được ngân sách nhà nước hỗ trợ 80%. Cán bộ Hội Nông dân và quản lý các cấp được hỗ trợ 100% chi phí.
Nông dân xuất ngoại chủ yếu học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quản lý trang trại quy mô lớn... Ứng dụng cơ giới hóa hiện đại trong nông nghiệp, chính sách xây dựng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Học hỏi kinh nghiệm xúc tiến thương mại, gắn kết sản xuất nông nghiệp với tiêu thụ sản phẩm từ khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản đến thiết kế bao bì, logo, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm nông sản.
Trước đó, tháng 10/2014, Quảng Ngãi từng mời GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam về tận địa phương truyền đạt kinh nghiệm cho cán bộ quản lý và bà con nông dân với chuyên đề “Nông dân và tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Theo ông Dũng, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng việc đầu tư chưa xứng tầm. Tỉnh này có đến 70% hộ nông dân phụ thuộc vào nông nghiệp nên cần có chính sách song hành với phát triển công nghiệp. Tỉnh cần phát huy vai trò của hội nông dân trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, có chính sách đặc thù về giảm nghèo tập trung ở vùng sâu, vùng xa. Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn; áp dụng chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn...
Trí Tín