Ngày 20/1, ông Quang đã chủ trì cuộc họp với sở ngành nhằm rà soát các dự án thủy điện trên địa bàn. Theo Sở Công Thương, địa phương quy hoạch 46 dự án thủy điện với tổng công suất 1.816 MW. Trong đó, 22 dự án đã vận hành, công suất 1.273 MW; 8 dự án đang xây dựng; 12 dự án đang chuẩn bị đầu tư và 4 dự án khảo sát xin chủ trương.
Sở Công Thương Quảng Nam đánh giá các dự án thủy điện vận hành đã góp phần huy động được nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho người dân vùng dự án, như: Làm đường, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước, nhà tình nghĩa, công trình phúc lợi; giải quyết một phần lực lượng lao động địa phương.
"Thủy điện đã đảm bảo nhu cầu cung ứng điện cho tỉnh Quảng Nam và cung cấp cho hệ thống điện quốc gia, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", đại diện Sở Công Thương Quảng Nam nói.
Tuy nhiên, Sở này cũng thừa nhận dự án nằm ở miền núi nên ít nhiều tác động đến các loại đất rừng. Một số diện tích đất khai hoang cấp cho dân từ chủ đầu tư dự án thủy điện rất xấu, sản xuất hiệu quả thấp. Nhà tái định cư chất lượng chưa cao, chưa phù hợp với tập quán của đồng bào vùng cao.
Sở Công Thương cho rằng năm 2020 các đợt mưa lũ gây ra sạt lở nghiêm trọng tại một địa phương, cần có các khảo sát, nghiên cứu mới để đưa ra đánh giá có cơ sở về nguyên nhân sạt lở. Từ trước đến nay Quảng Nam đã rà soát, loại bỏ khỏi quy hoạch 25 dự án thủy điện vừa và không có hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường, tài nguyên.
Tại cuộc họp, ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng ngoài việc góp phần năng lượng quốc gia, các thủy điện ở Quảng Nam đã điều tiết lũ vào mùa mưa, cung cấp nước cho hạ du vào mùa nắng tốt. Tuy nhiên, tỉnh cần xem xét quá trình xây dựng thủy điện như việc mở đường, nơi xây dựng hạ tầng phải đánh giá tác động môi trường và mức độ ảnh hưởng.
"Hiện nay việc mở đường, xây dựng hạ tầng của các dự án chưa có đánh giá tác động đến môi trường", ông Tý nói.
Đồng quan điểm, ông A Viết Sơn, Phó chủ huyện Nam Giang, cho hay trên địa bàn có 11 dự án thủy điện, 6 dự án đã hoạt động; 3 dự án đang triển khai và 2 dự án khảo sát xin chủ trường đầu tư. Nhìn chung thủy điện giúp địa phương có được cơ sở hạ tầng, thu ngân sách. Tuy nhiên, các dự án đã lấy đất sản xuất của dân và người dân mất đất lại lấn chiếm rừng phòng hộ.
"Huyện Nam Giang thống nhất các dự án không cần thiết, ảnh hưởng lớn môi trường thì loại bỏ", ông Sơn nói và cho rằng địa phương đang vướng phải tình trạng nhiều đường dây điện đi qua của các nhà máy, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội. "Hiện các trục đường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội thì đường dây đi qua nên địa phương quy hoạch rất khó", ông nói và đề nghị cần khảo sát để hạn chế việc nhiều đường dây ảnh hưởng đến địa phương.
Ông Nguyễn Quảng, Phó chủ tịch huyện Phước Sơn, thông tin có 5 dự án thủy điện được triển khai trên địa bàn. Trong đó thủy điện Đăk Mi 4 đã ngăn dòng chảy về sông Vu Gia, chuyển dòng về sông Thu Bồn. "Việc đổi dòng chảy đã gây sạt lở ở xã Phước Hiệp, có năm bị sạt lở 7 m ven sông, ảnh hưởng đến nhà dân và đất sản xuất", ông Quảng nói và cho rằng phải đánh giá lại việc này để có phương án hạn chế sạt lở.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó chủ tịch huyện Tây Giang, cho biết có 5 dự án thủy điện ở địa phương. Trong đó dự án A Vương 4 công suất 10 MW đang nghiên cứu đầu tư, dự kiến chiếm 8,2 ha đất rừng phòng hộ, 3,8 ha rừng sản xuất. "Đề nghị UBND tỉnh xem xét dừng, không cấp chủ trương đầu tư cho thủy điện này", ông Linh nói.
Tại cuộc làm việc, một số đại biểu phản ánh nhiều dự án thủy điện được cấp chủ trương đầu tư hơn 10 năm nhưng chậm triển khai; có những dự án gia hạn nhưng vẫn không thực hiện đúng cam kết. Đối với những dự án này phải khảo sát, rà soát, trường hợp ảnh hưởng lớn môi trường thì xem xét thu hồi.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang chỉ đạo, đối với các dự án đã đi vào hoạt động, chủ đầu tư đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình, thực hiện quy trình vận hành điều tiết nước liên hồ, đơn hồ chặt chẽ, đúng quy định. Các thủy điện này tăng cường đầu tư quan trắc tự động để theo dõi, dự báo, điều hành.
Đối với nhóm các công trình đang thì công, đã được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải được đánh giá cụ thể. Sắp tới Sở Công Thương Quảng Nam phối hợp một số sở ngành rà soát và có thể thanh tra từng dự án thủy điện về tiến độ, hiệu quả, mức độ tác động.
"Quan điểm của tỉnh Quảng Nam không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế với bất cứ giá nào", ông Quang nói và cho rằng những dự án ảnh hưởng đến môi trường phải đánh giá thật kỹ, sau đó xem xét xử lý, kể cả tạm dừng, thu hồi.
Tháng 10/2020, Quảng Nam hứng chịu đợt mưa kéo dài, gây sạt lở đất, làm 43 người chết, 13 người mất tích và 350 người bị thương. 650 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 4.381 nhà hư hỏng nặng. Cơ sở hạ tầng miền núi bị tàn phá nặng nề, tổng thiệt hại gần 11.000 tỷ đồng. Dư luận cho rằng nguyên nhân sạt lở đất có một phần do xây dựng thủy điện.
Cuối tháng 12/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị các địa phương dừng xây dựng dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư. Các dự án chỉ được triển khai sau khi có kết quả đánh giá không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường; không ảnh hưởng lớn đến dân cư; không chiếm dụng đất rừng tự nhiên; và có hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, Bộ chưa xem xét, nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào quy hoạch với các dự án thuỷ điện có quy mô công suất nhỏ hơn 10MW. Bộ trưởng Tuấn Anh cũng nhấn mạnh tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện, loại ra các dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến cư dân và tác động xấu đến môi trường.