Ngày 3/8, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, đã thống nhất chủ trương tổ chức chợ phiên bày bán sâm Ngọc Linh định kỳ mỗi tháng một lần tại trung tâm huyện Nam Trà My.
Theo ông Thanh, việc mở phiên chợ này góp phần ngăn chặn tình trạng bán sâm giả, trôi nổi trên thị trường. “Định kỳ hàng tháng vào 2 ngày nhất định mở chợ, ai có ý định sở hữu sâm Ngọc Linh thì đến trực tiếp mua, còn không đến được có thể nhờ người mua giùm”, ông Thanh nói mục đích mở chợ, đồng thời cho biết thêm, chất lượng sâm Ngọc Linh đưa ra bán do chính quyền huyện Nam Trà My và các cơ quan chức năng của tỉnh chịu trách nhiệm. Ngoài ra, việc mở chợ bán sâm còn nhằm từng bước phát triển du lịch phía Tây Nam của tỉnh.
Đầu tháng 3/2017, nằm trong chuỗi hoạt động "Lễ hội sâm núi Ngọc Linh lần thứ nhất năm 2017", tỉnh Quảng Nam tổ chức hội chợ sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My. Thời gian diễn ra 3 ngày đã thu hút hơn 13.000 lượt người tham quan. Người dân địa phương bán được khoảng 200 kg sâm, thu về 12,5 tỷ đồng.
Sâm Ngọc Linh được người dân Xê Đăng sống dưới ngọn núi cao nhất miền Trung dùng để chữa bệnh, gọi đó là "thuốc giấu". Những năm chiến tranh, người dân thường dùng trị vết thương, sốt rét… cho bộ đội.
Loài cây được biết đến rộng rãi vào năm 1973, khi dược sĩ Đào Kim Long được Bộ Y tế giao nhiệm vụ nghiên cứu các loại thuốc quý để chữa bệnh. Sau hàng năm trời cuốc bộ dọc dãy Trường Sơn, dược sĩ Long tìm ra loài cây mà người dân Xê Đăng vẫn dùng trị nhiều bệnh. Ông Long đặt tên cây là sâm Ngọc Linh.
Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000 hecta, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Đầu tháng 6/2017, Thủ tướng phê duyệt sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) là sản phẩm quốc gia.
*Người dân Xê Đăng trồng sâm Ngọc Linh trên núi cùng tên
Đắc Thành