Ngày 10/8, tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi họp nghe báo cáo tình hình an toàn hồ đập các thủy điện trên địa bàn trước mùa mưa bão. Tại đây vấn đề thủy điện gây ra động đất liên tiếp được bàn tới.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu thông tin, từ tháng 1/2017 đến 8/2018 tại huyện Bắc Trà My và Nam Trà My - nơi có thủy điện sông Tranh 2 xảy ra 63 trận động đất từ 2,5 đến 3,9 độ.
“Đây là động đất kích thích, có cường độ yếu nên không gây thiệt hại. Nguyên nhân do việc tích nước thủy điện gây nên”, ông Anh nói. Ông thông tin thêm trong tháng 5/2018 tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam) ghi nhận sáu trận động đất với nguyên nhân tương tự.
Trước việc nhiều thủy điện sắp tích nước, trong đó có thủy điện sông Tranh 3 nằm phía dưới thủy điện sông Tranh 2 vài chục km, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch Quảng Nam lo ngại, khi tích nước thì động đất xảy ra và ảnh hưởng đến người dân như thế nào.
Ông Anh cho biết không thể trả lời ngay được, cần thời gian thực hiện. “Sau khi nghiên cứu sâu thì chúng tôi có thể đánh giá về việc tích nước, động đất ở khu vực có thủy điện”, ông Anh cho hay.
Ông Thanh đặt hàng Viện Vật lý địa cầu thực hiện đề tài mối quan hệ giữa động đất, tích nước để đảm an toàn công trình cũng như cuộc sống của người dân.
“Đề nghị Viện vật lý địa cầu đưa ra dự báo các trận động đất. Dù đây là việc làm rất khó nhưng cần đưa ra cảnh báo để chính quyền địa phương chỉ đạo ứng phó kịp thời”, ông Thành nói.
Tỉnh Quảng Nam hiện có 21 dự án thủy điện nhỏ chuẩn bị đầu tư, với công suất 276 MW.“Quảng Nam có quan điểm giảm thủy điện chứ không tăng mới, chủ đầu các dự án mà năng lực tài chính yếu thì cho nghỉ”, ông Thanh nói.
Trước mùa mưa bão, phó chủ tịch Quảng Nam chỉ đạo chủ dự án thủy điện mời các chuyên gia, đơn vị tư vấn nghiên cứu để đưa các phương án đối phó với kịch bản vỡ đập.
Tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt 46 dự án thủy điện, với tổng công suất 1.726 MW, điện lượng bình quân 6.530 triệu kWh/năm. Trong đó 20 thủy điện đã vận hành, gồm 8 thủy điện lớn, 12 thủy điện nhỏ. Thủy điện đem lại nguồn thu cho tỉnh này khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm.
Để xây dựng các thủy điện, Quảng Nam đã thu hồi và chuyển đổi mục đích hơn 12.000 ha đất rừng, đất sản xuất và hơn 1.000 hộ tái định cư tại chỗ và 688 hộ di dân tự do.