Thứ sáu, 24/1/2025
Thứ tư, 19/4/2023, 00:00 (GMT+7)

Quảng Nam di dời gần 8.000 hộ dân vùng sạt lở

Chính quyền tỉnh Quảng Nam dành gần 1.000 tỷ đồng di dời người dân vùng thiên tai, có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn hơn.

Những ngày này, 51 hộ dân làng Tak Tố, xã Trà Don, huyện Nam Trà My hối hả chuyển nhà đến nơi ở mới. Khu vực này cách làng cũ khoảng 300 m, được cơ quan chức năng khoan thăm dò xác định địa chất ít bị sạt lở.

Dân làng Tak Tố nằm trong hơn 7.820 hộ miền núi được hưởng chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư do HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua hồi 7/2021, giai đoạn 2021-2025, với vốn đầu tư hơn 968 tỷ đồng (Nghị quyết 23).

Từ tháng 11/2022, xã Trà Don bắt đầu di dời làng Tak Tố, đến nay một số hộ đã vào ở, nhiều hộ đang dựng nhà. Mỗi hộ được cấp 150-200 m2 và 20 triệu đồng di chuyển nhà, 30 triệu san lấp nền, 40 triệu mua vật liệu làm nhà, 10 triệu đường dân sinh bêtông, 5 triệu công trình vệ sinh.

Anh Đinh Ngọc Vũ cùng hàng xóm vác xà gồ từ nơi ở cũ về dựng nhà. "Cuối năm 2020 ngọn núi sau làng bị sạt lở, hàng ngàn m3 đất đá có nguy cơ ập xuống. Các xã gần đó có nhiều người chết do sạt lở nên ai cũng lo sợ, đồng tình di chuyển", anh Vũ kể.

Anh Vũ đang đục lại các cột để dựng nhà mới. Nhà làm bằng gỗ nên mọi người trong làng đổi công cho nhau.

Đứng trong căn nhà gỗ mới chuyển về, anh Hồ Văn Nước (góc phải) cho biết sau khi xây dựng, chính quyền xã Trà Don sẽ đến nghiệm thu, hỗ trợ tiền. Ai muốn nhà đẹp hơn thì bỏ thêm tiền.

Bà Hồ Thị Láy, làng Tak Tố, xúc cát về lát nền nhà. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, việc di dời tốn kém, song đổi lại có nơi ở rộng hơn chỗ cũ và gần đường.

Người làng Tak Tố cùng nhau đổ đường bêtông chạy vào nhà. Ngoài số tiền hỗ trợ 10 triệu đồng mỗi hộ, nếu phát sinh thêm người dân đóng góp.

Trước đây, làng Tăk Tố không có đường, mỗi lúc ra quốc lộ 40B, bà con phải đi bộ đường rừng gần một giờ. Nay đường bêtông mở ra, người dân chạy xe máy hết 10 phút.

Ông Lê Trung Thực, Chủ tịch xã Trà Don, cho biết các hạng mục hạ tầng như điện, đường đang được đầu tư. "Đến nơi ở mới chính quyền không dám cam đoan không bị sạt lở, nhưng sẽ an toàn hơn. Trà Don toàn đồi núi dốc, việc tìm kiếm mặt bằng rất khó khăn", ông nói.

Người dân lắp thêm ống kéo nước sạch về sử dụng.

Cách Tak Tố 50 km, làng Tak Răng, xã Trà Cang nằm dưới chân núi Ngọc Linh mới đón nhận 82 hộ dân từ nơi nguy cơ sạt lở di chuyển đến. Khu dân cư rộng hàng chục ha làm theo kiểu bậc thang, mỗi bậc là 1-2 ngôi nhà, chạy xuôi theo sườn núi.

Gia đình chị Hồ Thị Đăng có 7 người, được cấp 200 m2 đất. "Chúng tôi được hỗ trợ 95 triệu đồng, trong đó thuê xe múc san lấp 25 triệu, còn lại xây dựng các hạng mục khác, không phải bỏ tiền thêm", chị nói và cho biết trước đây ở làng cũ chật chội, còn lo sợ sạt lở núi khi mưa lũ. Nay về đây rộng rãi hơn, có thể dựng thêm một nhà nữa.

Đường chạy quanh làng Tak Răng sắp được đổ bêtông.

Thực hiện Nghị quyết 23, đến nay huyện Nam Trà My di dời hơn 250 hộ dân thuộc năm xã. Tám huyện Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn đang triển khai.

Đắc Thành