Tại huyện Bắc Trà My, tối 5/11 một vạt núi đã sạt xuống, vùi lấp 9 người dân trong căn nhà khu vực Đàn Nước. Nhà chức trách huy động lực lượng đào bới, đưa 4 người bị thương nặng đi cấp cứu. 5 người còn lại bị đất đá vùi lấp, trong số này có một đàn ông, hai phụ nữ và một trẻ em.
Đến sáng nay, lực lượng chức năng đã tìm được hai thi thể, một nam và một nữ. “Lực lượng tìm kiếm dùng máy múc và hơn 100 người đào bới đất đá tìm hai nạn nhân”, ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Phó ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Trà My cho biết.
Thống kê đến 12h hôm nay, toàn huyện có 6 người chết và 6 người mất tích. Tại các xã Trà Dương và một phần xã Trà Đông, do mưa lũ lớn đã làm vỡ một phần đập tràn của hồ chứa nước Hố Rôn khiến hàng trăm ngôi nhà bị ngập sâu. UBND huyện đã kịp thời di dời 3.500 trên tổng số 3.800 nhân khẩu.
Thị sát tình hình mưa lũ ở huyện Bắc Trà My, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, phải đảm bảo an toàn cho những người tham gia tìm kiếm, bởi tình hình mưa lũ đang diễn biến rất phức tạp, có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. “Cần phải sơ tán triệt để những người dân còn lại ở trong vùng nguy hiểm để giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về con người”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng chỉ đạo cần kiểm soát lưu lượng của các đập thủy điện xả lũ trong thời gian này để đảm bảo an toàn cho người dân hạ du, đặc biệt là những đập thủy điện nhỏ, yếu, chất lượng không đảm bảo.
Nước sông Thu Bồn tại Hội An sáng nay lên 3,09 m, vượt báo động 3 một mét, nhiều ngôi nhà cấp 4 nước dâng đến gần mái. Chính quyền phối hợp với biên phòng đi canô tiếp ứng lương thực và cứu hộ 15 người bị mắc kẹt tại ốc đảo Vĩnh Thành (xã Cẩm Kim) và 4 người tại ốc đảo Nam Ngạn (phường Cẩm Nam).
Phó chủ tịch TP Hội An Nguyễn Thế Hùng thông tin, trong phố cổ nhiều tuyến đường vẫn ngập sâu, đường Bạch Đằng ngập khoảng 2 m, hiện chưa thể thống kê thiệt hại. Chính quyền đang vận động một số người nuôi bò ở các cồn Nam Ngạn và Vĩnh Thành rời khỏi vùng lũ. “Nếu họ tiếp tục ngoan cố không chịu rời đi, thành phố sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế”, ông Hùng nói.
Tại huyện Đại Lộc, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết, có 2 người tử vong hôm qua là bà Phan Thị Chín (75 tuổi, trú tại khu Hòa An, thị trấn Ái Nghĩa) bị ngã trong lúc dọn dẹp tránh lũ và ông Đỗ Châu Nhiễu (71 tuổi, trú Đại Lãnh) bị chìm ghe.
Phó chủ tịch huyện Hồ Ngọc Mẫn cho biết, sáng nay nước lũ rút xuống khoảng 50 cm, một số tuyến đường xe cộ đã lưu thông. Người dân đang dọn dẹp bùn đất, đưa tài sản xuống nơi thấp. 11 xã mất điện từ tối qua, hiện chưa có lại, cuộc sống người dân đảo lộn.
Quốc lộ 14B qua huyện Đại Lộc bị ngập.
Tại huyện Phước Sơn, sáng nay Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cùng lực lượng cứu hộ đã tiếp cận hiện trường vụ sat lở vùi 2 người ở xã Phước Hòa, dùng xe múc tìm kiếm nạn nhân.
Chánh văn phòng huyện Hồ Văn Điểm thông tin, hiện địa phương chưa xác định được danh tính và số lượng nạn nhân mất tích do lũ gây ra, bởi trời mưa to, nước lũ dâng cao, chia cắt nhiều địa bàn.
Trong khi đó, tuyến đường Hồ Chí Minh từ Đà Nẵng đi Phước Sơn đã thông đường sau sạt lở. Tuy nhiên, đường Hồ Chí Minh từ huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đi về xã Phước Năng, Phước Đức (Phước Sơn) có nhiều điểm sạt lở, giao thông ách tắc toàn bộ.
Sáng nay toàn bộ các trường học trên địa bàn huyện Phước Sơn đã được thông báo nghỉ học.
Sáng 2/11 áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão thứ 12 trên biển Đông, tên quốc tế là Damrey. Bão tăng cấp rất nhanh khi tiến sát bờ biển Nam Trung Bộ do kết hợp với không khí lạnh. 6h ngày 4/11, bão đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa, mạnh cấp 12 (135 km/h). 13h, tiến sâu vào nam Tây Nguyên, bão giảm còn cấp 9 (90 km/h) và đến 15h cùng ngày thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở biên giới Việt Nam - Campuchia. Trong 9 tiếng hoành hành, bão đã gây gió mạnh, mưa to suốt từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. Thống kê sơ bộ 44 người đã chết, 19 người mất tích. |