Lễ rước nước Bà Thu Bồn ngày 21/3. |
Kịch bản khai mạc lễ hội xây dựng trên hình tượng Bà Thu Bồn - bà Mẹ xứ sở, Mẹ của non nước, của người dân xứ Quảng. Mẹ sẽ kể về lịch sử của vùng đất địa linh nhân kiệt này trong suốt 600 năm kể từ ngày có tên gọi. Biểu tượng ngọn núi Ngọc Linh, đỉnh cao nhất của Quảng Nam, là nơi bắt nguồn để dòng Thu Bồn chảy qua 2 di sản Mỹ Sơn và Hội An sẽ được tái hiện. Tại đây, các nhà thiết kế Minh Hạnh, Anh Vũ, Nguyên Hàng, Quang Huy... sẽ giới thiệu các bộ sưu tập mẫu thời trang Chăm. Những tà áo dài độc đáo được dệt từ chất liệu truyền thống của dân tộc Chăm và vải thổ cẩm được trình diễn trên nền sân khấu ẩn hiện những toà tháp cổ Mỹ Sơn huyền ảo, đậm chất sử thi.
Trước đó, ngày 21/3, Lễ hội văn hoá dân gian Bà Thu Bồn diễn ra tại làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên vào 12/2 âm lịch, là nơi tập trung của hàng nghìn người dân địa phương và ngư phủ trên hệ thống sông ngòi Quảng Nam để thờ cúng bà Chúa xứ. Dịp này, nhiều hoạt động văn hoá thể thao đặc sắc cũng được tổ chức như hát tuồng, bài chòi, cắm trại thanh niên, thi làm bánh, tem trầu, đêm hội hoa đăng đua thuyền, thi đấu bóng chuyền, kéo co, cờ tướng... Đặc biệt phần lễ nghi quan trọng là lễ rước nước từ sông Thu Bồn vào khu đền tháp Mỹ Sơn, rước kiệu ngũ hành tiên nương, lễ đại tế. Trong những năm gần đây, lễ hội Bà Thu Bồn đã là điểm hẹn của nhiều tour du lịch. Du khách đến mỗi năm càng nhiều hơn.
“Nằm chiếu An Hội sẽ sinh được con trai” - có lẽ lý do đó khiến nhiều khách nước ngoài mua chiếu làm quà. |
Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam, Bảo tàng hiện vật cổ Sa Huỳnh - Chămpa và Nhà trưng bày giới thiệu di tích Mỹ Sơn được khánh thành, đưa vào giới thiệu trong dịp lễ hội. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại địa phương dịp này cũng đi vào nền nếp, tạo ra ấn tượng đối với du khách thập phương. Nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng được giới thiệu.
Tại Hội An, đêm phố cổ đã được tái hiện, bắt đầu cho không gian “phố không có động cơ”, diễn ra trong suốt thời gian lễ hội (21-27/3). Chợ quê họp mỗi chiều hôm tại bãi bồi An Hội bên bờ sông Hoài, lấy “hậu cảnh” là những dãy phố cổ. Tại đây, cư dân địa phương bày bán những đặc sản chân quê, giá rẻ, là nơi phô diễn tính cách thuần phác của người nông dân Quảng Nam.
Trà Bang