|
NSƯT Quang Lý. Ảnh: VTV.vn |
Mơ làm thuỷ thủ, anh hát hay nhưng suốt thời phổ thông lại quá nhút nhát. Chỉ biết mình có giọng hát ấm áp từ nhận xét vô tư của đám bạn. Như bao cậu học trò đất cảng, anh yêu biển và muốn được ra khơi nên nộp đơn thi vào trường Giao thông Vận tải. Nhưng Đài phát thanh Giải phóng đã mang cơ hội đến khi về Hải Phòng tuyển ca sĩ. Chàng trai 19 tuổi không biết đọc nốt nhạc đứng trước nhạc sĩ Hồ Bắc và Bùi Trần Tiến hát say mê. Hồn nhiên tới nỗi, khi họ tua băng nghe lại, anh thốt lên: "Ô sao hay thế!". Anh theo niềm hạnh phúc ấy về Hà Nội, học trường Nhạc với thày Trung Kiên, bắt đầu một hành trình mới.
Anh rất ít nhắc tới chuyện vất vả thuở trai trẻ, nhưng lại thủ thỉ nói không thể quên. Sau giải phóng, Quang Lý chọn con đường về quê, để được gần mẹ, để thi thoảng trở lại cảm xúc tuổi thơ. Từ Đài phát thanh Giải phóng, anh đầu quân cho đoàn ca múa Hải Phòng. Nhưng quãng thời gian sau đó không êm đềm như mong ước của chàng ca sĩ. Cuộc sống của anh bấp bênh song hành cùng gian khó, cơm không đủ ăn, con ốm, bố mẹ xoay trần bán từ cái quần, cái áo. Chỉ có âm nhạc mới bứt anh rời khỏi những lo toan vật chất thường ngày.
Có thể do bầu không khí đổi mới của đất nước đã lan toả. Có thể do danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú anh nhận năm 1993. Cũng có thể do quyết định đưa cả nhà vào TP HCM sinh sống... Thời gian cuối những năm 80, đầu 90 là giai đoạn phơi phới của Quang Lý ở đoàn Ca múa nhạc Bông Sen. Đây cũng là lúc anh thành công nhất, những tấm huy chương vàng trong các hội diễn liên tiếp bay về. Năm 1987-1988, tiếng hát Quang Lý toả đi toàn quốc với ca khúc Thuyền và biển.
Giọng anh dịu dàng khi nói tới vợ. Anh bảo, có lẽ chị mê anh vì tiếng hát và khuôn mặt dễ thương. Còn anh mê bởi chị ngày ấy xinh lắm, tính lại hiền lành, đôn hậu. Đáng quý nhất ở chị là biết hy sinh cho chồng, cho con, khi anh không phải là người gặp nhiều may mắn. Đó là điều anh cảm động nhất, để tình yêu mãi đọng lại, để mỗi khi đứng trước một cô gái đẹp, dẫu có chút xao lòng vẫn tự biết cách chấn chỉnh mình.
Anh nhận mình là người lãng mạn, mà làm sao giấu được với cặp mắt tròn mơ màng, lúc nào cũng như phảng phất buồn. Anh có nhiều cơ hội để phiêu lưu tình cảm, nhưng ngoài vợ, anh còn rất thương con. Mỉm cười anh khoe, hai đứa con đủ cả nếp tẻ đều thành đạt về kiến thức. Cậu con trai đã hoàn thành cao học tại Austrailia, đang công tác trong ngành Ngân hàng. Cô con út học chuyên ngành Quảng cáo cũng tại đất nước kanguru. Anh bùi ngùi, đi hát hơn 30 năm thực sự không kiếm được nhiều tiền, chỉ đủ cho con kiến thức để vào đời.
Nỗi nhớ luôn nằng nặng trong anh. Chỉ sống ở quê (Ý Yên, Nam Định) có 2 năm thôi, nhưng anh khó lòng rời xa những buổi gặt lúa, gánh rạ, chèo thuyền chở lúa về hợp tác xã. Càng nôn nao khi trở về tuổi thơ và thời trai trẻ với Hải Phòng, nơi anh lớn lên, lấy vợ, về rồi lại đi. Sống ở Sài Gòn lại mơ những ngày ngồi quán cóc, ăn cái kẹo lạc, nhâm nhi chén trà ở Hà Nội... Những chuyến trở về quá khứ giúp Quang Lý hát bằng tiếng lòng chân thật và cả sự đồng cảm của một người từng trải. Đôi mắt đong đầy khắc khoải khiến những câu hát mộc mạc của anh thêm vấn vít với đời.
(Theo VTV.vn)