Quang Hải xem bến đỗ ở CAHN như trang mới trong sự nghiệp, và anh có lý để nói như vậy. Các cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại thường không thành công, và họ mất nhiều thời gian để thích nghi khi trở lại V-League. Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường và Đoàn Văn Hậu là những ví dụ như thế.
Tuấn Anh dường như không giữ được phong độ sau một năm hiếm khi được ra sân ở Yokohama FC. Trước khi sang Nhật Bản, anh chơi mùa đầu tiên ở V-League, trọn 26 trận. Nhưng khi trở lại năm 2017, Tuấn Anh chỉ đá chín trận ở hai mùa giải tiếp theo do vật lộn với chấn thương và sa sút phong độ. Năm 2021, tiền vệ này tiếp tục chấn thương dài hạn và vắng mặt gần trọn mùa giải. Gần đây anh mới có dấu hiệu khởi sắc trở lại, ở màu áo HAGL lẫn đội tuyển.
Tuấn Anh từng là cầu thủ trẻ hay nhất Việt Nam năm 2014, còn Xuân Trường cũng nhận giải Quả Bóng Bạc sau đó hai năm. Sau thời gian chơi bóng không được như kỳ vọng tại Hàn Quốc và Thái Lan, Xuân Trường trở lại HAGL năm 2019. Trong hai mùa giải kế tiếp, anh chỉ chơi 54% số trận tối đa cũng vì thể lực và phong độ sa sút. Việc chuyển đến Hải Phòng cũng chưa giúp tiền vệ người Tuyên Quang cải thiện tình hình.
Hai năm đầu trở lại V-League sau khi xuất ngoại cũng là nốt trầm của Văn Hậu. Hậu vệ người Thái Bình chỉ đá đúng hai trận V-League 2020 và 2021, chủ yếu vì chấn thương. Anh tái xuất không tồi mùa 2022, trước khi chuyển sang đội bóng mới CAHN.
Với Lê Công Vinh, Nguyễn Công Phượng hay Đặng Văn Lâm, những chuyến xuất ngoại không giúp họ tiến bộ vượt bậc, cũng không suy giảm phong độ đáng kể. Hiệu suất của Công Phượng trước khi rời HAGL lần đầu là 0,24 bàn mỗi trận, rồi anh chuyển tới Mito Hollyhock tại Nhật Bản. Trở lại HAGL hai mùa tiếp theo, Công Phượng cải thiện hiệu suất lên 0,38 bàn mỗi trận. Dù vậy, màn thể hiện của tiền đạo gốc Nghệ An không vượt trội.
Công Phượng sau đó tiếp tục chơi cho Incheon United tại Hàn Quốc, rồi Sint-Truiden ở Bỉ nhưng không thành công. Kể từ khi trở lại V-League lần hai, anh đạt hiệu suất 0,43 bàn mỗi trận. Nói cách khác, hiệu suất ghi bàn của Công Phượng tăng dần sau mỗi chuyến xuất ngoại, nhưng không quá lớn.
Văn Lâm hay Công Vinh cũng duy trì màn trình diễn ổn định mỗi khi trở lại Việt Nam. Trước và sau khi thi đấu tại Bồ Đào Nha, Công Vinh duy trì được phong độ khoảng 0,6 bàn mỗi trận ở V-League. Thành tích này của anh giảm xuống còn 0,29 bàn mỗi trận sau thời gian chơi ở Nhật Bản, phần nào vì tuổi tác.
Không như Xuân Trường, Tuấn Anh hay Văn Hậu, Quang Hải hiếm khi chấn thương dài hạn. Điều này có thể giúp anh tái hòa nhập nhanh hơn với V-League. Vấn đề là liệu anh có thể hiện được phẩm chất vượt trội so với mặt bằng chung V-League, sau thời gian ăn tập ở nền bóng đá hàng đầu.
Nhưng bất luận thế nào, Quang Hải cũng là sự bổ sung quan trọng để CAHN hướng tới mục tiêu vô địch. Còn CAHN sẽ là nơi anh tìm lại sự tự tin như những màn trình diễn thời 2018-2019.
Xuân Bình